Sáng mãi tinh thần Quốc khánh 2/9
– “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” – dù năm tháng qua đi nhưng lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 vẫn vang vọng mãi.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mở ra một trang sử mới, chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng, đánh dấu thắng lợi của gần một thế kỷ kiên cường chống thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Các em học sinh được thuyết minh viên giới thiệu gian khánh tiết tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: LA MAI
77 năm qua, tinh thần yêu nước nồng nàn, tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành hành trang, động lực tinh thần to lớn thôi thúc toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tạo ra những kỳ tích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tất cả những chiến công, những kỳ tích đất nước ta, Nhân dân ta giành được trong 77 năm qua là nhờ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tự hào về Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào về Đảng ta, về dân tộc ta – dân tộc anh hùng.
Phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám và tinh thần Quốc khánh 2/9, toàn thể Nhân dân ta một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu cách mạng, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, viết tiếp những trang sử vẻ vang, giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, tinh thần Quốc khánh 2/9 trở thành “kim chỉ nam” cho khát vọng hòa bình và động lực phát triển. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Hàng vạn thanh niên đã lên đường trực tiếp cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; hàng chục nghìn tấn lương thực và hàng triệu ngày công được đóng góp cho tiền tuyến. Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” kiên cường, mãi mãi đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Lạng Sơn đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, giữ gìn nền độc lập, tự do.
Các em học sinh được thuyết minh viên bảo tàng tỉnh giới thiệu về ý nghĩa các bức ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: LA MAI
Thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy các tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế – văn hoá – xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã tạo ra những đổi thay lớn trong kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện quan trọng giúp tỉnh khai thác những tiềm năng, lợi thế để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh được cải thiện theo hướng công khai, minh bạch. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh đã phát huy mạnh mẽ. Các cụm công nghiệp được quy hoạch, xây dựng thu hút nhiều nhà đầu tư vào khai thác.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Lạng Sơn đã và đang nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân. Nhờ đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,67%, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020 và xếp thứ 15 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2020. Thu ngân sách năm 2021 kết quả cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.649,6 tỷ đồng, vượt 82,5% dự toán. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,51% so với cùng kỳ; cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế; hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Đến nay, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi huyện công nhận được từ 2-3 khu dân cư kiểu mẫu; năm 2022, trên địa bàn phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu tới các em học sinh những cuốn sách hay tại gian trưng bày sách kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: LA MAI
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục được nâng lên cả về giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện. Hệ thống y tế được củng cố, y tế ngoài công lập có bước phát triển cả về mạng lưới và chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm 2,12%, tương đương giảm khoảng 5.000 hộ; toàn tỉnh có 172 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 86%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,9%…
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tỉnh triển khai tích cực, có hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, quản lý biên giới, phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Mừng Tết Độc lập, mừng quê hương đổi mới, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đảng bộ và Nhân dân Lạng Sơn tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, thi đua phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trước mắt, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vừa quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()