Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Đảm bảo sức khỏe cho trẻ
– Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS-SS) là giải pháp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi chào đời. Những năm qua, việc SLTS và sàng lọc sơ sinh (SLSS) đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Việc khám SLTS-SS có ý nghĩa quan trọng để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ khi còn trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi trẻ ra đời. Từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh. Do đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra chỉ tiêu: đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho trẻ
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Giám đốc phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Để thực hiện thành công các chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, từ năm 2017 đến nay, chi cục đã tăng cường thực hiện công tác SLTS-SLSS và huy động xã hội hóa dịch vụ SLTS-SS đầy đủ 5 loại bệnh. Chi cục đã phối hợp với 100% trung tâm y tế (TTYT) huyện, thành phố tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu về SLTS-SS, kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh tạo điều kiện cho các y, bác sĩ và tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số.
Theo đó, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ đang mang thai thông qua các hoạt động như: nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt CLB, nhóm, truyền thông trên hệ thống truyền thanh, truyền hình từ tỉnh đến xã về lợi ích của việc SLTS-SS nhằm giúp người dân tiếp cận với các thông tin cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án… Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 11.170 buổi tuyên truyền cho hơn 275.000 lượt người.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, TTYT huyện Lộc Bình, TTYT huyện Bắc Sơn là những đơn vị làm tốt công tác SLTS-SS. Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số, TTYT huyện Bắc Sơn cho biết: Do làm tốt công tác truyền thông, tư vấn, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 3.690 lượt phụ nữ mang thai được tư vấn, SLTS và 1.793 trẻ em được sàng lọc sơ sinh. Những việc làm này giúp phát hiện sớm những trường hợp bệnh để tư vấn, hướng dẫn cho thai phụ, gia đình phối hợp với các cơ sở y tế can thiệp và điều trị phù hợp.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện SLTS được hơn 35.800 ca, SLSS 16.710 trẻ. Qua sàng lọc phát hiện trên 914 trường hợp có nguy cơ cao mắc các bệnh bẩm sinh. Đặc biệt năm 2020, toàn tỉnh có 9.900 trẻ được SLTS (tăng 7,7 lần so với năm 2016), 5.686 trẻ được SLSS (tăng 33 lần so với năm 2016).
Chị N.T.H. (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan) cho biết: Năm 2020, khi mang thai, tôi đã được các y, bác sĩ ở trạm y tế xã tuyên truyền về những lợi ích của việc SLTS-SS. Khi bé được sinh ra, bác sĩ TTYT huyện đã sàng lọc, phát hiện bé bị thiếu men G6PD và hướng dẫn gia đình tôi cách chăm sóc, nuôi dưỡng nên giờ đây, bé đã phát triển bình thường.
Với nỗ lực của các cấp, ngành, tin tưởng và hy vọng rằng tất cả các bà mẹ mang thai đều được tư vấn và tiến hành SLTS-SS để đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh, không bị mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
SLTS là quy trình xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa giúp phát hiện sớm các bệnh: Down (rối loạn nhiễm sắc thể di truyền phổ biến nhất, gây ra tình trạng mất khả năng học tập ở trẻ em), khuyết tật về tim… Kỹ thuật SLSS được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 giờ sau khi trẻ sinh ra để phát hiện các bệnh: thiếu men G6PD (gây vàng da, thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động), suy tuyến giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, bệnh rối loạn chuyển hóa axit amin phenylalanine (chậm phát triển thể chất, trí tuệ, có thể tử vong), bệnh rối loạn chuyển hóa galactose (đục thủy tinh thể, suy gan, xơ gan, chậm phát triển trí tuệ và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong)… |
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()