Sáng lập Báo Thanh niên - Bác Hồ đã khơi nguồn cho sự nghiệp báo chí cách mạng việt nam
LSO- Khi Nguyễn Ái Quốc rời Liên xô về Quảng Châu (Trung Quốc) với vai trò là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Nhiệm vụ của Người lúc này là xây dựng phong trào cơ sở ở Đông Dương mà trước hết là Việt Nam. Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ trên. Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Hội, Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập cơ quan ngôn luận của tổ chức này: Báo thanh niên, trụ sở đặt tại số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quôc). Bác Hồ đã chỉ đạo và cùng các nhà cách mạng trẻ tuổi cho ra mắt tờ Thanh Niên, cũng giống như Lê-nin cho ra mắt tờ Tia Lửa cho cách mạng Nga.
Lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam được ghi nhận là tờ Gia Định báo, phát hành số đầu tiên ngày 15-04-1865. Tiếp theo là Phan Yến báo (1868), báo Nông Cổ Mín đàn (1901), rồi Tân Văn (1907)…Nhưng phải đến tháng 6 năm 1925, với tờ Thanh Niên của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta mới thực sự bắt đầu nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên, số 1 ra ngày 21-6-1925. Lúc đó, vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên, Bác viết rất nhiều tin, bài cho tờ báo. Hầu hết những bài viết của Người đều không ký tên hoặc bút danh. Người còn vẽ cả tranh phê bình, châm biếm cho tờ báo. Thời gian đầu Báo Thanh Niên ra mỗi tuần một kỳ trên 100 bản. Tờ báo tuần có 4 trang, in theo lối viết bút sắt trên giấy sáp, cho chúng ta thấy từ nét chữ Bác viết tên báo trên măng sét, với chữ “T” và chữ “N” viết to, đều giống như nét chữ trong Di chúc. Về sau, do khó khăn về điều kiện in, nên các số sau cách số trước có khi 3 tuần, 5 tuần. Măng sét viết hai chữ Thanh Niên bằng Hán văn và Việt văn. Số của tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh. Phần lớn mỗi số báo là hai trang, một số ít bốn trang, cỡ trung bình 13 cm x 19 cm. Dù còn khá đơn sơ, nhưng báo Thanh Niên vẫn đầy đủ các chuyên mục cần thiết của một tờ báo, có hình ảnh minh họa khá tốt. Nội dung chính trị của Báo Thanh Niên có thể tóm tắt 6 điểm chính: 1) Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được; 2) Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; 3) Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; 4) Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; 5) Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; 6) Cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga mới giành thắng lợi.
Thu âm chương trình phát thanh tại Đài Phát thanh- Truyền hình Lạng Sơn. Ảnh: THẾ BẢO
Công tác vận chuyển và phát hành Báo Thanh Niên được giao cho những thủy thủ có cảm tình với cách mạng làm việc trên những con tàu giao thương giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực thực hiện. Báo Thanh Niên được lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong những người có cảm tình với Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Trung Quốc.. Chính điều này đã giúp cho phong trào cách mạng trong nước ngày càng mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến về chất trong đội ngũ công nhân ở Việt Nam, tạo tiền đề tích cực để Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản ra đời thời gian sau đó không lâu. Ngay từ khi tờ báo độc đáo này xuất hiện đã thu hút ngay sự chú ý của giới mật thám thực dân, của những nhà nghiên cứu của Quốc tế Cộng sản, và tất nhiên của đông đào bạn đọc là những nhà cách mạng trẻ tuổi thuộc thế hệ đầu tiên do chính người sáng lập tờ báo là Bác Hồ tổ chức rèn luyện; đông đảo những người lao động nghèo khổ đang mơ giấc mơ giải phóng, bất chấp sự đe dọa của thực dân Pháp đối với việc chuyền tay nhau đọc. Ngay từ năm 1926, Chánh mật thám Đông Dương là Mác-ty đã ra lệnh cho mật vụ sưu tầm bằng được bộ báo này. Trong báo cáo mật gửi về Bộ thuộc địa, Mác-ty đã viết: “Ông Nguyễn Ái Quốc đã không ngần ngại dành suốt 60 số đầu tiên để chuẩn bị tinh thần cho người đọc, chỉ nói về lòng yêu nước, để đến số 61 ra ngày 12-9-1926, ông mới để lộ ý định của ông khi viết rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới bảo đảm hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”. Nhận xét chung về vai trò của Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, chính Mác-ty có một nhận định nữa rất chính xác rằng: nếu như trong những năm 1926-1927, ngay những phần tử của Đảng còn nghĩ rằng mình là quốc gia, thì những năm 1928 họ đã náo nức muốn mình là cộng sản. Và Mác-ty đã phải cay cú thừa nhận: “Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người có cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc Báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần cho người khác đọc”.
Có lẽ Bác Hồ, trong những ngày đầu tiên ấy, không những thấm nhuần sâu sắc luận điểm của Lê-nin về báo chí cách mạng: không chỉ là người tuyên truyền và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể. Bác hiểu rõ những đặc tính của một dân tộc nông dân, giai cấp công nhân vừa mới ra đời còn quá non trẻ và người dân chưa hiểu rõ “Chủ nghĩa xã hội” là gì, để từ đó xác định cho Thanh Niên một phong trào làm báo cách mạng rất Việt Nam. Trong khuôn khổ hạn hẹp của con chữ, bài dài nhất có khi đăng tải thành 2, 3 kỳ cũng chỉ dưới 1.000 chữ, phổ biến 300 đến 500 chữ, Bác vẫn chuyển tải được những nội dung to lớn của dân tộc và của thời đại.
Cùng với các điều kiện khách quan và chủ quan khác, tác động đến sự phát triển vượt bậc của cách mạng trong nước, hiệu quả của Báo Thanh Niên đối với việc xây dựng phong trào cách mạng tại Việt Nam; tác động đến sự chuyển biến tich cực trong tư tưởng của đội ngũ công nhân và nhân dân lao động là điều đã được khẳng định. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, Báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của tổ chức này là tờ báo cách mạng đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, tháng 2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) quyết định lấy ngày 21/6/1925 là ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, mốc đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Những năm qua, báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp ở nước ta; là diễn đàn đáng tin cậy của nhân dân. Báo chí cách mạng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời báo chí cách mạng cũng là vũ khí sắc bén chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù…Tất cả đều bắt đầu từ một ngày vô cùng ý nghĩa trong lịch sử cách mạng Việt Nam – ngày phát hành số Báo Thanh Niên đầu tiên – ngày 21 tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung quốc)
Những gì diễn ra trong đời sống của giới báo chí hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng ta là phù hợp với bước đi của thời đại và của dân tộc. Dân tộc ta luôn ghi nhớ Hồ Chí Minh – Nhà báo số 1, người đã khơi nguồn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam..
Mai Tùng
Ý kiến ()