Sáng kiến giúp học sinh nâng cao năng lực nói và nghe
- Việc rèn luyện kĩ năng nói và nghe giúp học sinh học tập hiệu quả ở tất cả các môn học. Để giúp học sinh phát triển những kỹ năng này, thạc sĩ Phương Ngọc Thanh Huyền, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến “Phát triển năng lực nói và nghe trong dạy học môn Ngữ văn cho học sinh lớp 7 trên địa bàn tỉnh”.

Thạc sĩ Phương Ngọc Thanh Huyền, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Khảo sát thực trạng phát triển năng lực nói và nghe trong dạy học Ngữ văn cho học sinh lớp 7 tại Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lạng Sơn) cho thấy một số hạn chế như: kỹ năng nói và nghe còn bị xem nhẹ vì không nằm trong nội dung kiểm tra, đánh giá định kì; học sinh không nắm được quy trình thực hiện, bố cục bài nói và nghe; các em chưa có nhiều tri thức nền, trải nhiệm hoặc chưa biết huy động kiến thức đưa vào bài nói và nghe;... Đây là nguyên nhân ảnh hướng đến việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh.
Để phát triển năng lực nói và nghe cho học sinh, tác giả đề xuất một số biện pháp có tính mới gồm: thiết kế công cụ rèn kĩ năng nghe; sử dụng kĩ thuật tranh biện để tăng cường nói - nghe tương tác. Những biện pháp có tính cải tiến, sáng tạo như: hướng dẫn học sinh xác định mục đích, yêu cầu, quy trình thực hiện nói và nghe; chú ý sửa lỗi cho học sinh; đa dạng hóa các phương pháp, hình thức, phương tiện nói; mở rộng hơn nữa nội dung luyện nói.
Trong đó, việc xác định mục đích, yêu cầu và quy trình thực hiện được coi là điều kiện tiên quyết để học sinh thực hiện được sản phẩm nói và nghe. Trong giai đoạn chuẩn bị bài nói, giáo viên cần hướng dẫn học sinh xác định mục đích, yêu cầu, quy trình thực hiện sản phẩm nói thông qua phiếu học tập. Phiếu học tập được thiết kế với các câu hỏi về mục đích của bài nói, người sẽ lắng nghe, trải nghiệm của học sinh liên quan đến vấn đề đó, tác động tích cực hay tiêu cực của vấn đề đối với trẻ em, dự kiến vấn đề người nghe có thể trao đổi… Học sinh tự hoàn thiện phiếu và luyện nói theo các đội dung đã hoàn thiện tại nhà. Tại lớp học sinh nói về vấn đề mình lựa chọn cũng như tóm tắt vấn đề của bạn và đưa ra những quan điểm của mình để cùng thảo luận, tranh biện. Giáo viên sẽ lựa chọn một số học sinh trình bày bài nói tại lớp, những học sinh còn lại sẽ đưa ra các ý kiến phản bác, tranh luận. Cuối giờ học học sinh sẽ báo cáo kết quả nội dung bài học, giáo viên đưa ra những đánh giá, nhận xét về nội dung bài học để học sinh tự rút kinh nghiệm.
Nội dung luyện nói được mở rộng bằng cách khuyến khích học sinh ghi lại những vấn đề xã hội được đề cập ở các môn khoa học xã hội. Khi lựa chọn vấn đề nói, học sinh căn cứ vào các nội dung ghi chép được để lựa chọn, cũng như huy động kiến thức các bài học để đưa vào nội dung bài nói. Để sửa lỗi cho học sinh, giáo viên cung cấp công cụ đánh giá dựa trên các tiêu chí như: cách phát âm, ngữ điệu, giọng nói, cách nhấn giọng… và cho học sinh tự theo dõi và đánh giá bài nói của bạn. Cách làm này giúp học sinh tập trung vào phần trình bày của bạn, cũng như để ý bài nói của mình, giáo viên cũng sẽ thấy được những lỗi học sinh thường mắc để kịp thời hướng dẫn. Phương pháp, hình thức, phương tiện nói được đa dạng hóa với các sản phẩm như tranh, ảnh, phim ngắn, đồ họa… không gian học tập không chỉ bó buộc trong các lớp học làm có thể tổ chức ở nhiều nơi thông qua các buổi trải nghiệm, tham quan…
Sau khi hoàn thiện phương pháp phát triển năng lực nói và nghe trong dạy học môn Ngữ văn cho học sinh lớp 7, năm học 2023 - 2024 tác giả đã phối hợp thí điểm tại 5 trường học trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, sau khi áp dụng biện pháp, học sinh hiểu rõ hơn vai trò của việc nói và nghe đối với môn Ngữ văn với quá trình học tập và giao tiếp trong cuộc sống; học sinh phát triển năng lực nói và nghe cùng các năng lực chung như giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác nhóm, sử dụng công nghệ thông tin, hội họa.
Cụ thể tại lớp thực nghiệm (44 học sinh) của Trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, sau khi áp dụng các phương pháp, số học sinh đạt điểm giỏi tăng từ 4,5% lên 11,4%; số học sinh chưa đạt giảm từ 18% xuống 4,5%. Tại lớp thực nghiệm (29 học sinh) Trường THCS Lũng Vài, huyện Văn Lãng số học sinh đạt điểm giỏi tăng từ 0% lên 13,8%; số học sinh chưa đạt giảm từ 31% xuống 13,8%.
Theo đánh giá của cô Công Thị Tấm, giáo viên Trường THCS Lũng Vài, huyện Văn Lãng, giáo án thể nghiệm rõ ràng, dễ thực hiện, khi áp dụng vào thực tiễn giúp học sinh hứng thú hơn. Sau một thời gian thử nghiệm, học sinh rèn được kỹ năng nói và nghe, tự tin hơn khi phát biểu, trình bày các vấn đề trước đám đông.
Em Trần Thị Ngọc Hoa, lớp 7A1(năm học 2023-2024), Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thông qua các giờ học phát triển năng lực nói và nghe em thấy mình có thể trình bày các vấn đề một cách ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Cùng đó, trong những giờ học cần thảo luận em đã nắm bắt được phương pháp chọn lọc nội dung chính và đưa ra những quan điểm cá nhân để tranh biện, phản bác.
Năm 2024, UBND tỉnh có quyết định số 25/2024/QĐ-UBND ngày 21/8/2024 quy định về việc công nhận và đánh giá hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến; hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh thay cho quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Trong đó, sáng kiến “Phát triển năng lực nói và nghe trong dạy học môn Ngữ văn cho học sinh lớp 7 trên địa bàn tỉnh” được xác nhận có hiệu quả trong việc giúp học sinh hiểu rõ vai trò quan trọng của năng lực ngôn ngữ với quá trình học tập và giao tiếp trong cuộc sống. Sáng kiến có khả năng áp dụng một phần hoặc toàn bộ vào dạy học nói và nghe nhằm phát triển năng lực nói và nghe cho học sinh lớp 7 ở các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

Ý kiến ()