Sáng kiến của Việt Nam về “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”
Ngày 29/9, tại TP.Huế, Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC - sự kiện chính thức quan trọng nhất của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 chủ trì cuộc Đối thoại.
Cùng tham dự có các Bộ trưởng, Thứ trưởng của các nền kinh tế thành viên, Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam cùng khoảng gần 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Khách mời danh dự của Đối thoại là bà Fumiko Hayashi, Thị trưởng thành phố Yokohama của Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế – thương mại lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. APEC cũng khẳng định bình đẳng giới là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn vốn con người. Sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động tích cực, tạo sự lan tỏa đối với khu vực. Các báo cáo cho thấy rằng, nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua sự kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế và xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các nền kinh tế APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công, cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái để giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, giảm khoảng cách giới trong việc làm, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng tin tưởng rằng, với những gì APEC đang có, đó là nguồn năng lượng, sức sáng tạo, tính kiên cường và sự năng động của mỗi người dân, bao gồm phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, APEC chắc chắn sẽ được chứng kiến một tương lai tươi sáng – bình đẳng, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết thúc Đôí thoại, với sự đồng thuận và thống nhất cao của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, Đối thoại đã thông qua các văn bản mang tính định hướng dài hạn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực APEC. Trong đó có ba vấn đề nổi bật là:Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017; Văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC; Tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC.
Theo đó, về Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, các đại biểu đại diện 21 nền kinh tế APEC đã đưa ra những khuyến nghị chính sách quan trọng về ba nội dung ưu tiên lớn của năm 2017, gồm: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn nhất trí sẽ trình Tuyên bố lên các nhà Lãnh đạo Kinh tế tại Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Về văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”. Đây là sáng kiến của Việt Nam, được các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đánh giá là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC. Các thành viên cũng cam kết sẽ phối hợp với các ủy ban, nhóm công tác khác của APEC để thúc đẩy “lồng ghép giới” trong hoạch định chính sách và triển khai các dự án, chương trình hợp tác của APEC ở tất cả các cấp.
Đối với văn bản về Tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC, theo thống nhất của đại biểu lần này, Quỹ này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 và hứa hẹn mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.
Sau Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, Thứ trưởng Bộ Lao đông – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp báo về việc tổ chức thành công Diễn đàn về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 tại thành phố Huế từ ngày 26 – 29/9/2017.
Trong bốn ngày vừa qua, với ba sự kiện chính thức, gồm: Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) lần thứ 2, Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPDWE), Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế và bảy hoạt động do các thành viên APEC phối hợp với các bộ, cơ quan của Việt Nam tổ chức, Diễn đàn về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài khu vực, các chuyên gia, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Đông đảo phóng viên, báo chí trong nước và quốc tế cũng đã đến đưa tin bài về các hoạt động này. Với việc đăng cai tổ chức Diễn đàn, Việt Nam mong muốn cùng các thành viên APEC khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và coi đây là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn vốn con người, cũng như đóng góp thiết thực vào các nỗ lực toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Diễn đàn cũng cho thấy kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà của Năm APEC 2017. |
Theo dangcongsan
Ý kiến ()