Sáng kiến có tính ứng dụng cao cho máy phát thanh, truyền hình
Tác giả Lê Ngọc Cương (bên trái) trao đổi với lãnh đạo đơn vị về tình hình hoạt động của máy phát hình trạm trung tâm thị trấn Lộc Bình |
Từ yêu cầu thực tế
Đài TT-TH huyện Lộc Bình có 5 trạm phát sóng TH và nhiều cụm phát sóng TT cơ sở tại các cụm xã, thị trấn. Hệ thống máy phát sóng PT, TH của đơn vị được đầu tư rải rác theo từng năm, từng đời khác nhau, lâu nhất có máy đã được đầu tư trên 20 năm. Qua thời gian sử dụng, hệ thống máy của đơn vị ngày càng xuống cấp và thường xuyên bị hỏng. Trước năm 2016, khi máy gặp sự cố, đơn vị đều phải thuê thợ từ các công ty dịch vụ ở tận Hà Nội về sửa. Cùng với chi phí thay thế thiết bị, vận chuyển máy, tiền công thợ, trung bình mỗi năm, đài phải chi từ 200 – 300 triệu đồng.
Trước thực tế này, kỹ sư Lê Ngọc Cương, cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã trăn trở, nghiên cứu và tìm ra cách khắc phục sự cố máy hỏng bằng cách tìm ra sự tương thích và cải tiến những sự bất đồng bộ trên từng thiết bị, thông số của từng máy để tạo thành một khối thiết bị đồng bộ mà vẫn phục vụ tốt hoạt động phát sóng. Sau một thời gian nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm và nhận thấy đem lại hiệu quả; được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, năm 2016, tác giả đã xây dựng cách làm này thành sáng kiến kinh nghiệm “Tính tương thích và biện pháp khắc phục bất đồng bộ trong hệ thống các máy PT, TH”. Qua thẩm định cho thấy: đây là một sáng kiến đem lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội và có tính mới, tính ứng dụng nhân rộng cao trong thực tế, Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh công nhận đây là sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh trong đợt I năm 2017.
Kỹ sư Lê Ngọc Cương, cán bộ Đài TT-TH Lộc Bình cho biết: “Với mong muốn máy PT, TH được sửa chữa tại chỗ, giúp tiết kiệm chi phí và giảm công sức vận chuyển máy, giảm thời gian máy nghỉ phát sóng, tôi đã nghiên cứu thực hiện sáng kiến này”.
Tiết kiệm trên 37 triệu đồng cho một lần máy hỏng
Từ năm 2016 đến nay, sau khi áp dụng sáng kiến, mỗi lần máy PT, TH của Đài TT-TH Lộc Bình bị hỏng thì đơn vị chỉ bỏ ra khoảng 600.000 đồng cho việc sửa chữa tại chỗ thay vì tốn kém ước tới 38 triệu đồng như trước, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tới trên 37 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Luyến, Trưởng Đài TT-TH Lộc Bình cho biết: Năm 2016, 1 máy phát hình trạm xã Minh Phát, 1 máy phát hình trạm xã Yên Khoái và 1 máy phát thanh cụm xã Khuất Xá bị trục trặc phải sửa chữa. Cả 3 lần máy hỏng này đều áp dụng cách sửa chữa tại chỗ với chi phí chỉ gần 2 triệu đồng, tiết kiệm cho ngân sách trên 100 triệu đồng. Hơn nữa, từ khi áp dụng cách làm của sáng kiến thì thời gian máy nghỉ hoạt động chỉ trong 1 ngày chứ không kéo dài 7-10 ngày như trước.
Theo bản mô tả, sáng kiến đã đưa ra giải pháp đấu nối, liên kết các khối riêng rẽ, bất đồng bộ trở thành một khối thống nhất trong máy PT, TH của đơn vị. Để tìm ra được các giải pháp, tác giả đã phân tích tính tương thích và sự bất đồng bộ về thông số kỹ thuật, thiết bị trên từng máy. Từ đó nghiên cứu, tìm cách khắc phục sự bất đồng bộ đó để tạo thành một khối hoặc một thiết bị, thông số kỹ thuật tương thích, đồng bộ với nhau. Đơn cử như việc khắc phục sự bất đồng bộ của hệ thống các tầng, các khối (điều chế, khuếch đại, khối nguồn, công suất, điều khiển – hiển thị và hệ thống làm mát) của từng máy; chuyển đổi các dây dẫn tín hiệu và thay đổi thứ tự các chân tín hiệu, chân cắm từ không trùng khớp cho trùng khớp với nhau; giảm công suất của máy bằng cách đấu thêm mạch trở kháng để đưa vào tầng công suất phù hợp với thông số kỹ thuật…
Kỹ sư Lê Ngọc Cương mong muốn thời gian tới, sáng kiến có thể được áp dụng, nhân rộng ở các đài TT – TH khác nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước và không làm gián đoạn việc phát sóng các kênh TT – TH phục vụ nhân dân.
Ý kiến ()