LSO-Vượt qua những khó khăn về tài chính, bằng đôi bàn tay tài hoa và bộ óc sáng tạo của mình, những nông dân của Lạng Sơn đã tạo ra những chiếc máy như: máy thái rau lợn đa năng, máy tẽ ngô, máy bóc lạc… Những chiếc máy được làm bằng đôi tay của chính họ đã góp phần giải phóng sức người, nâng cao năng suất lao động. Ông Mông Xuân Quyền ở thị trấn Na Sầm (Văn Lãng) nghiên cứu và tạo ra chiếc máy đóng bầu cây cũng không nằm ngoài mục đích đó. Ông Mông Xuân Quyền và chiếc máy đóng bầu với công suất 1.800 bầu/giờĐược Sở KH&CN giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Mông Xuân Quyền, cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Lãng. Trao đổi về sáng chế của mình, ông Quyền cho biết: Qua thực tiễn công tác hàng ngày, được biết các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh đang được các địa phương tích cực triển khai. Đáp ứng nhu cầu về giống, các nhà ươm cây giống phải làm việc hết khả năng, tăng hết công suất vườn ươm cũng chỉ đáp ứng...
LSO-Vượt qua những khó khăn về tài chính, bằng đôi bàn tay tài hoa và bộ óc sáng tạo của mình, những nông dân của Lạng Sơn đã tạo ra những chiếc máy như: máy thái rau lợn đa năng, máy tẽ ngô, máy bóc lạc… Những chiếc máy được làm bằng đôi tay của chính họ đã góp phần giải phóng sức người, nâng cao năng suất lao động. Ông Mông Xuân Quyền ở thị trấn Na Sầm (Văn Lãng) nghiên cứu và tạo ra chiếc máy đóng bầu cây cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Ông Mông Xuân Quyền và chiếc máy đóng bầu với công suất 1.800 bầu/giờ
Được Sở KH&CN giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Mông Xuân Quyền, cán bộ phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Lãng. Trao đổi về sáng chế của mình, ông Quyền cho biết: Qua thực tiễn công tác hàng ngày, được biết các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh đang được các địa phương tích cực triển khai. Đáp ứng nhu cầu về giống, các nhà ươm cây giống phải làm việc hết khả năng, tăng hết công suất vườn ươm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 5 triệu cây giống/năm. Trong việc ươm giống cây trồng, khâu đóng bầu có vai trò quan trọng, khâu này thường tốn thời gian của các lao động. Theo tính toán, một công nhân chuyên nghiệp của một công ty giống cây trồng nếu đóng bầu theo phương pháp thủ công thì làm hết công suất cũng chỉ đóng được khoảng 1.500 bầu/ngày và bình quân phải mất 45 giây/bầu, đóng bằng tay nên độ nén không đảm bảo. Đây là một nguyên nhân khiến cây giống có thể chết.
Ông Quyền tâm sự, là một người yêu nghề cơ khí khi chứng kiến tại những vườn ươm, công nhân phải làm việc hết sức vất vả mà vẫn không đáp ứng nhu cầu đóng bầu cây giống. Ông đã trăn trở, khao khát chế tạo ra một chiếc máy đóng bầu nhằm cải thiện năng suất lao động. Và trước nhu cầu thực tế như vậy, ông Mông Xuân Quyền đã đề xuất với phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Lãng với mong muốn được nghiên cứu tạo ra một chiếc máy đóng bầu nhằm chuyển đóng bầu bằng phương pháp thủ công sang bán thủ công, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo độ nén bầu chặt và đồng đều hơn, không gây ô nhiễm môi trường… Sau khi được duyệt dự án và cấp kinh phí, ông Mông Xuân Quyền đã bắt tay thực hiện nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy đóng bầu từ tháng 8/2009. Sau hơn một năm nghiên cứu, cuối năm 2010 máy đóng bầu ươm cây giống của ông Quyền chính thức ra đời. Qua nghiệm thu đề tài thì thấy, chiếc máy đóng bầu do ông Quyền chế tạo ra có thể đóng được 1.800 bầu/giờ, năng suất cao gấp 10 lần công nhân làm bằng phương pháp thủ công. Máy đóng bầu của ông Quyền đã đạt được 5 mục tiêu cơ bản như: năng suất cao hơn đóng bầu bằng phương pháp thủ công, độ nén bầu chặt đồng đều hơn, giảm giá thành sản phẩm…Để chế tạo thành công máy đóng bầu ông Quyền đã phải tự nghiên cứu trong các tài liệu, giáo trình cơ bản như nguyên lý máy, kết cấu máy, chi tiết máy… rồi tự mày mò chế tạo từng bộ phận máy, lắp ráp chúng lại với nhau. Nói về sự sáng tạo của chính cán bộ tại phòng, bà Lăng Thị Linh, trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Lãng tự hào: đó đều là những sáng chế được ra đời theo “đơn đặt hàng” của chính cuộc sống, máy đóng bầu được tạo ra là vô cùng hiệu quả và hữu ích. Sáng chế máy đóng bầu của ông Quyền đã được người dân và ngành chức năng đánh giá cao. Đây là một sự thành công vượt bậc trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần đáng kể cho sự ra đời một công nghệ mới. Ngoài việc góp phần tăng năng suất lao động cho người ươm cây giống, thì điểm nổi bật của chiếc máy đóng bầu chính là tạo nên một môi trường sạch. Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Hà, Phó Trưởng phòng Công nghệ – Thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Lâu nay, các vườn ươm cây giống thường sử dụng ni-lon làm túi bầu, khi trồng bà con thường phải bóc ni-lon và họ vứt bừa bãi ngay tại đồi, tại vườn mà không thu dọn, điều này sẽ gây ô nhiễm nhiều mặt. Chính quyền và các cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở việc xử lý để giữ vệ sinh môi trường song do thói quen nên nhiều nông dân vẫn không thực hiện. Máy đóng bầu của ông Mông Xuân Quyền sử dụng túi bầu bằng chất hữu cơ hoặc sản xuất ra những bầu ươm cây giống bằng chất liệu giấy. Những cây giống khi ươm vào những bầu giấy trồng xuống đất sẽ không phải bóc bầu, góp phần tăng tỷ lệ sống cho cây và không gây ô nhiễm môi trường.
Về sáng chế này, lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, ưu điểm của máy đóng bầu đã rõ, tuy nhiên, kinh phí để sản xuất ra một chiếc máy đóng bầu vào khoảng 20 triệu đồng. Chính vì vậy, việc sản xuất nhiều chiếc máy như vậy không phải chuyện dễ. Theo Sở KH&CN, để nhân rộng sáng chế mới này thì rất cần sự liên kết từ phía nhà doanh nghiệp.
Trí Dũng
Ý kiến ()