Sản xuất vụ đông ở Bắc Bộ
Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính ở miền bắc, do có nền nhiệt thuận lợi giúp nhiều loại rau, củ, quả phát triển với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú. Đây cũng là mùa vụ được ghi nhận ít chịu ảnh hưởng của yếu tố sâu bệnh nhất. Tuy nhiên, do còn hạn chế về kinh nghiệm sản xuất cũng như áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cho nên sản lượng vụ đông còn thấp, chưa xứng với tiềm năng...Nhìn lại một vụ đông Vụ đông năm 2011, diện tích gieo trồng của các tỉnh miền bắc chỉ đạt gần 380 nghìn ha, giảm 8,25 nghìn ha so với năm 2010 và thấp hơn 140 nghìn ha so với kế hoạch. Tuy nhiên, sản lượng toàn vụ đông đạt gần 3,9 triệu tấn (tăng 3,7 nghìn tấn so với năm 2010). Trong đó, tăng chủ yếu là khoai tây (đạt 308 nghìn tấn) tăng 69,7 nghìn tấn; rau đậu các loại (đạt 2.703,1 nghìn tấn) tăng 42,5 nghìn tấn so với vụ đông trước. Tuy nhiên, một số loại cây trồng có xu hướng giảm như ngô, diện...
Nhìn lại một vụ đông
Vụ đông năm 2011, diện tích gieo trồng của các tỉnh miền bắc chỉ đạt gần 380 nghìn ha, giảm 8,25 nghìn ha so với năm 2010 và thấp hơn 140 nghìn ha so với kế hoạch. Tuy nhiên, sản lượng toàn vụ đông đạt gần 3,9 triệu tấn (tăng 3,7 nghìn tấn so với năm 2010). Trong đó, tăng chủ yếu là khoai tây (đạt 308 nghìn tấn) tăng 69,7 nghìn tấn; rau đậu các loại (đạt 2.703,1 nghìn tấn) tăng 42,5 nghìn tấn so với vụ đông trước. Tuy nhiên, một số loại cây trồng có xu hướng giảm như ngô, diện tích gieo trồng chỉ đạt 115.210 ha (chiếm 30,3% tổng diện tích gieo trồng). Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đạt 42.461 ha (chiếm 36,8%), vùng trung du phía bắc đạt 32.576 ha (chiếm 28,3% diện tích), vùng Bắc Trung Bộ đạt 40.172 ha (chiếm 34,8% diện tích). Bên cạnh đó đậu tương cũng có số lượng sụt giảm đáng kể đạt 31.430 ha, giảm 50 nghìn ha so với vụ đông năm 2010, dẫn đến sản lượng đạt 36,8 nghìn tấn, giảm 93,2 nghìn tấn so với năm 2010.
Sự sụt giảm về diện tích gieo trồng nói chung và ở một số giống cây trồng nói riêng có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính được đề cập nhiều nhất tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông 2011 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2012 là do sự bất thường của thời tiết, kéo theo sự bùng phát của sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá. Thêm vào đó là giá cả đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng cao do sức ép của nền kinh tế cả nước gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và thế giới đang có xu hướng chững lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người nông dân.
Giải pháp cho vụ đông mới
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN) Nguyễn Trí Ngọc: Nếu xét về diện tích gieo trồng cũng như sản lượng thì vụ đông năm 2011 đang có chiều hướng giảm so với các năm trước. Nhưng nếu chỉ tính riêng năm 2011 thì vụ đông vẫn là một vụ được mùa của các tỉnh phía bắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp trong quý I ước đạt 50,371 tỷ đồng, tăng 3,68% so cùng kỳ, trong đó tổng giá trị sản xuất vụ đông 2011 đạt từ 10 đến 12 nghìn tỷ đồng (chiếm 20 đến 23,8% tổng giá trị) bình quân đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Một số tỉnh có sản lượng vụ đông tăng mạnh như Hải Dương, trong khi diện tích cho nông nghiệp ở nhiều nơi trong cả nước đều giảm thì tại địa phương này vẫn giữ giá trị sản xuất vụ đông bình quân lên tới hơn 88 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình trồng rau của các hộ nông dân cho thu nhập cao từ 85 đến 100 triệu đồng/ha.
Vụ đông năm 2012, các tỉnh phía bắc đang phấn đấu đạt 470 nghìn ha diện tích gieo trồng. Trong đó, giảm diện tích những giống cây ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương, và tăng diện tích các nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, rau các loại với tỷ lệ khoảng 40%-60%. Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 28 đến 30 triệu đồng/ha; tổng giá trị sản phẩm khoảng 13 đến 14 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT TP Hà Nội Đào Duy Tâm: Hà Nội đã lên kế hoạch về diện tích và nhóm cây trồng chủ lực. Với tổng diện tích gieo trồng là hơn 60 nghìn ha, trong đó đậu tương chiếm hơn 30 nghìn ha, ngô hơn 11 nghìn ha. Phấn đấu đạt giá trị thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Ngoài những nhóm cây ưa ấm như ngô, đậu tương được triển khai đại trà ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc…, những nhóm cây ưa lạnh cũng được phân bổ đều tại các tỉnh Hải Dương là hai nghìn ha, Hải Phòng 1,6 nghìn ha… Điều đáng ghi nhận, từ vụ đông năm 2011, các địa phương đã nhận thức rõ về chủng loại rau, củ, quả được gieo trồng trên đồng ruộng, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng khoa học kỹ thuật để cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời tập trung vào những sản phẩm nông sản không những bán chạy trên thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường xuất khẩu nước ngoài như ngô, đậu tương, lạc.
Trước tình hình phức tạp của thời tiết, dịch bệnh cũng như sự biến động của giá cả thị trường, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển gieo trồng đã được các bộ, ngành, địa phương thông qua. Tại nhiều địa phương, người nông dân đã được chính quyền hỗ trợ 100% số giống cây trồng, mua máy móc, xây dựng các kho lạnh bảo quản rau, củ, quả, áp dụng nhiều thiết bị khoa học công nghệ vào trong sản xuất cũng như trong thu hoạch.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết: Địa phương dự kiến trồng 8.500 ha vụ đông. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, giống, đầu tư vào các công trình thủy lợi, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đáng chú ý tỉnh đang quan tâm đến những giống cây trồng là thế mạnh, mũi nhọn của địa phương để tập trung sản xuất như ngô, cây đậu tương.
Sự vào cuộc của các ngành chức năng, cũng như sự quan tâm kịp thời của chính quyền các địa phương đã thật sự làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, qua đó giúp người nông dân thêm gắn bó với công việc đồng ruộng. Với những giải pháp nói trên, hy vọng vụ đông này các địa phương phía bắc lại được mùa, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()