Sản xuất tiêu dùng: "Xương sống" của nền kinh tế
Mới đây, Samsung Việt Nam đã đưa ra một danh mục rất nhiều linh kiện (cáp USB, sạc pin, tai nghe, vỏ nhựa...) để đặt hàng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Âu cũng là điều dễ hiểu vì lâu nay, chúng ta vẫn luôn kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng hầu như các DN trong nước thụ động, không có vốn, không có công nghệ, mà có đầu tư thì cũng không chắc có thị trường cho đầu ra hay không... Chung quy, vẫn loanh quanh chưa biết đầu tư từ đâu, thường quen nhập khẩu từ nước láng giềng, dẫn tới sức cạnh tranh sản phẩm kém. Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Sim Uôn Hoan Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Samsung thật sự muốn đặt hàng các linh kiện của các nhà chế tạo, cung cấp tại Việt Nam nếu như các linh kiện đáp ứng được yêu cầu của Samsung bởi điều đó đem lại lợi ích thật sự cho cả hai phía. Tuy nhiên, do phía Việt Nam không đáp ứng được, cho nên chúng tôi mới phải "mời" một số nhà cung cấp từ nước ngoài vào (chủ yếu từ Hàn Quốc) đầu tư sản xuất để cung cấp linh kiện cho Samsung".
Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, thiếu các nhà cung cấp ngay tại Việt Nam cũng là một trong những rào cản chính để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Được biết, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã lập tổ công tác để cùng với Samsung tìm ra nhu cầu cho các DN trong nước. Các bên cũng sẽ có buổi đối thoại để kết nối các DN của Việt Nam. Tất nhiên, dù có hiểu rõ nhu cầu thì để bắt tay vào việc cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian chứ không thể ngày một ngày hai, hơn nữa, các DN loại này phải thích ứng rất nhanh trước yêu cầu của các nhà sản xuất. Một lãnh đạo quản lý đầu tư nước ngoài thẳng thắn nhìn nhận: chúng ta không thể “ép” DN nước ngoài vào đây đầu tư thì phải phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Muốn phát triển được thì bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng, các DN phải tự vươn lên. Một chuyên gia khẳng định, biết là phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải là đơn giản, song các DN trong nước cần phải mạnh dạn, không nản chí, mà phải bắt đầu đẩy mạnh tham gia công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị của các hãng uy tín đang làm ăn tại Việt Nam. Nếu thật sự DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài có thiện chí, ngồi đối thoại với nhau thì sẽ tìm ra tiếng nói chung, đáp ứng nhu cầu của nhau. Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thuộc công nghệ hỗ trợ cho sản xuất trong nước lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Sản xuất các thiết bị, linh kiện phục vụ công nghiệp hỗ trợ tuy lãi ít nhưng bù lại số lượng nhiều.
Không phải tất cả các DN đang “thúc thủ” mà tìm ra được hướng đi riêng trên cơ sở tận dụng lợi thế sẵn có. Một số doanh nghiệp chế tạo cơ khí ở Thái Nguyên như Đi-ê-den Sông Công, Phụ tùng số 1… đã tích cực tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới như chế tạo chi tiết động cơ cho các tập đoàn Toyota, Honda, Piagio đang sản xuất ô-tô, xe máy tại Việt Nam… Các công ty chế tạo cơ khí cũng tham gia chế tạo thiết bị đồng bộ hay kết cấu thép cho nhà máy xi-măng, nhiệt điện, hóa chất, cấu kiện cho các nhà tổng thầu nước ngoài tại Việt Nam, thậm chí xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang nhiều nước, qua đó ngày càng tích lũy kinh nghiệm, công nghệ và cả vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhìn ra bên ngoài, kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, DN vừa và nhỏ chiếm hơn 90% tổng số DN nước này, được coi là “xương sống” của nền kinh tế bởi họ chế tạo, cung cấp hầu hết các cấu kiện, linh phụ kiện cho các hãng lớn để lắp ráp thành phẩm.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()