Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Nâng cao giá trị chè Đình Lập
(LSO) – Thay đổi tư duy phương thức sản xuất cũ bằng cách làm mới, sản xuất sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp người trồng chè trên địa bàn huyện Đình Lập tăng thu nhập mà còn khẳng định chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.
Huyện Đình Lập có khoảng 500 ha chè được trồng tập trung tại thị trấn Nông trường Thái Bình và các xã: Lâm Ca, Thái Bình. Hàng chục năm nay, người trồng chè vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tùy tiện làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chè thành phẩm cũng như sự cạnh tranh của sản phẩm chè Đình Lập với chè của các địa phương khác trên địa bàn cả nước. Cùng với đó, sản phẩm chè của huyện đang hướng tới tiếp cận các thị trường khó tính như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu.
Nông dân thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập thu hoạch chè búp tươi
Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu chè Thái Bình, Đình Lập, năm 2012, Công ty Cổ phần chè Thái Bình chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty xây dựng vùng sản xuất trên diện tích 7 ha, cách ly với các khu vực trồng chè lân cận.
Kỹ sư Bùi Xuân Ninh, phụ trách nông nghiệp, Công ty Cổ phần chè Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập cho biết: Triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty thành lập ban quản lý với 7 thành viên, theo dõi 7 tổ sản xuất. Các tổ sản xuất là hộ dân được giao nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ. Chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân phương pháp trồng và chăm sóc cũng như ghi chép lại toàn bộ quá trình chăm sóc, thu hoạch.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải tuân thủ những quy định khắt khe trong khâu chuẩn bị đất, trồng cây, chăm sóc và phòng bệnh. Với khâu làm đất, nông dân phải lật lớp đất mùn xuống dưới, đảo đất nền phía dưới lên trên. Điều này làm tăng dưỡng chất cho cây phát triển, lâu mọc cỏ, giảm sâu bệnh. Khi trồng chọn cây không có sâu bệnh, rễ phát triển mạnh. Quan trọng nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh, đây là công đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số chất lượng của chè. Để hạn chế sử dụng thuốc BVTV, công ty hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp hun dầu, cỏ để xua đuổi côn trùng. Trường hợp bọ xít, bọ cánh tơ, rầy xanh phát triển mạnh nông dân mới sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ. Liều lượng, loại thuốc, thời điểm đều có sự hướng dẫn trực tiếp từ các kỹ sư của công ty và tuân thủ danh mục thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng cũng như liều lượng in trên bao bì. Sau khi phun thuốc BVTV thì qua 15 ngày mới tiến hành thu hoạch. Bên cạnh đó, nông dân cũng thường xuyên tiến hành vệ sinh thu gom cây cỏ, bao bì phân bón, thuốc BVTV trên đồng để phòng sâu bệnh. Tất cả quy trình chăn sóc được các hộ dân ghi chép cẩn thận vào sổ theo dõi và được ban quản lý thường xuyên kiểm tra.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của Công ty Cổ phần chè Thái Bình đã đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhờ đó, sản phẩm chè VietGAP của công ty đã và đang có mặt tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước: Nga, Đài Loan, Pakistan…
Bà Nguyễn Thị Vinh, khu Che Hóa, thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có khác hơn so với phương pháp thông thường nhưng không phải là khó. Nhờ triển khai theo phương pháp này mà chè búp tươi của gia đình tôi luôn được công ty thu mua với giá cao hơn 2.000 đến 4.000 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại. Không chỉ có vậy, năng suất, sản lượng luôn ổn định, nhờ đó, thu nhập của gia đình cũng được tăng theo.
Ông Trần Thanh Nghiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần chè Thái Bình cho biết: Giá chè khô thành phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP luôn cao gấp đôi so với chè thông thường. Điều này phản ánh đúng giá trị cũng như danh tiếng sản phẩm chè của công ty. Chúng tôi đang đề nghị UBND huyện, tỉnh tiếp tục cho nhân rộng mô hình này nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng cũng như giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Ý kiến ()