Sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung
Theo dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Làm một phép tính đơn giản, để sản xuất ra một tỷ viên gạch đất sét nung, phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m), 150 nghìn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn khí CO2.
Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương diện tích đất của một xã), năm triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Đồng thời, theo Quy hoạch điện VII, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30 đến 40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi phải có diện tích bãi thải lên 400 đến 500 ha… Do vậy, việc phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) là tất yếu, phù hợp xu thế phát triển xanh, bền vững.
Tính đến thời điểm này, công suất nhà máy sản xuất các loại VLXKN đã đạt yêu cầu theo Quyết định 567/2010/QĐ-TTg về phát triển VLXKN, tuy nhiên chỉ có gạch xi-măng cốt liệu tiêu thụ tốt, còn các loại gạch nhẹ vẫn rất khó tìm đầu ra. Nhiều đơn vị kinh doanh gạch nhẹ vẫn phải sản xuất cầm chừng, công suất chỉ đạt khoảng 20 đến 30% thiết kế, thậm chí phải kinh doanh các sản phẩm phụ khác để duy trì sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính vẫn là thói quen sử dụng gạch đất sét nung của người dân, xét trên đầu đơn vị, gạch không nung còn cao hơn gạch nung. Hơn nữa, nhiều địa phương thiếu sự quan tâm đúng mức tới chương trình phát triển VLXKN và xóa bỏ lò gạch thủ công… cho nên tỷ lệ sử dụng loại vật liệu mới này chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số 21% tỷ trọng VLXKN. Về chủ quan, thi công xây dựng bằng VLXKN đòi hỏi công nhân phải qua đào tạo, một số công trình sử dụng loại vật liệu này còn xảy ra hiện tượng nứt tại vị trí liên kết giữa tường xây và kết cấu bê-tông, nhất là trong điều kiện thời tiết chênh lệch nhiệt độ lớn, gây hiệu ứng xấu trong việc đẩy mạnh sử dụng gạch không nung…
Có thể nói, sau 5 năm, việc phát triển VLXKN đã có những bước tiến đáng kể, dần đi vào cuộc sống. Dư địa phát triển loại vật liệu này còn rất lớn, nhưng cần có thêm những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong người dân nhằm thay đổi thói quen sử dụng vật liệu nung. Thực tế, các công trình xây dựng nhà đơn lẻ đa số vẫn sử dụng gạch nung, nhiều người dân vẫn chưa được tư vấn sử dụng và hệ thống cung ứng gạch không nung đến các công trình dân sinh còn thiếu và yếu. Song song với điều này, các địa phương cần quyết liệt triển khai chương trình xóa bỏ lò gạch thủ công để giảm thải ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy việc sử dụng gạch không nung. Đối với nhà sản xuất, cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phối hợp nhà thầu thi công khắc phục tình trạng nứt giữa các cấu kiện liên kết nhằm khẳng định tính ưu việt của sản phẩm. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác rà soát việc sử dụng VLXKN, nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sử dụng VLXKN, trong đó có quy trình, hướng dẫn kỹ thuật thi công gạch bê-tông, bổ sung định mức đối với VLXKN nói chung, với gạch bê-tông nói riêng, phối hợp các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đồng thời đưa công tác kiểm tra, xử phạt việc sử dụng gạch không nung tại các công trình xây dựng thành chương trình thanh tra thường xuyên trong thời gian tới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()