Sản xuất sạch hơn phải là tầm nhìn của một nền kinh tế
Phụ phẩm trong nông nghiệp là một nguồn tài nguyên, một mỏ vàng. Việc tận dụng hiệu quả hay sản xuất sạch hơn, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Sản xuất sạch hơn sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế (ảnh minh họa). |
Lãng phí nguồn tài nguyên lớn
Ngày 3/3, tại TPHCM, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPC), Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo hướng đến hệ sinh thái công – nông nghiệp bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo là một trong các hoạt động của Dự án Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất carbon thấp đang được thực hiện ở Việt Nam trong những năm qua.
Thống kê của các chuyên gia cho thấy, mỗi năm, sau vụ mùa, Việt Nam có 13,5 triệu tấn trấu, 1,35 triệu tấn vỏ cà phê, đó chưa kể đến vỏ các loại quả khác như vỏ dừa khô mà phần lớn được đem đổ bỏ hoặc đốt. Cả hai cách này đều gây ô nhiễm môi trường, gây ra hiệu ứng nhà kính.
Theo các chuyên gia của Dự án, sản xuất sạch hơn là kiểm soát quy trình tốt hơn bằng các kỹ thuật tiên tiến để có thể thu hồi được phụ phẩm mà nhiều người Việt Nam xem là rác, một thứ phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường. Thông qua Dự án này, trong 4 năm qua, các bên tham gia đã chứng minh được phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý giá, rằng Việt Nam có một mỏ vàng chưa được tận dụng triệt để.
Ông Miroslav Delporte, Cục Kinh tế hợp tác Liên bang Thụy Sĩ (SECO), cơ quan tài trợ cho Dự án, cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chế biến lúa gạo Việt Nam là một trong những mắt xích rất cần nâng cao hiệu quả sử dụng, đặc biệt là vấn đề giảm thải khí thải bằng cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến.
Đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Cao Thăng Bình cho rằng ngành sản xuất lúa gạo cần phải nhanh chóng thay đổi theo hướng tiết kiệm, tránh thất thoát, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Bởi đây những yếu tố cấu thành một nền sản xuất bền vững.
Muộn vẫn còn hơn không
Bốn năm trước, SECO đã đứng ra tài trợ cho Việt Nam thực hiện Dự án này với mục tiêu là giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu nguồn năng lượng trong hoạt động chế biến nông sản, tận dụng các phụ phẩm để làm nguồn năng lượng cho các hoạt động nông nghiệp.
Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD2) cho biết, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lương thực với năng lực sấy lúa 600.000 tấn/năm, xay lúa là 800.000 tấn/năm, còn xát trắng lau bóng gạo là 3 triệu tấn/năm, trong quá trình xay xát, chế biến các loại gạo thành phẩm, chi phí điện năng chiếm 20-35% tổng chi phí sản xuất. Chỉ cần giảm một vài phần trăm lượng điện năng tiêu thụ, Tổng Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dự án của SECO kết hợp với VINAFOOD2 thực hiện ở Công ty Lương thực Sông Hậu và Công ty Lương thực thực phẩm An Giang. Sau 4 năm thực hiện, đơn vị đã tiết kiệm được gần 485 triệu đồng tiền điện.
Theo đại diện VINAFOOD2, với vài chục công ty thành viên, khi áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng ra toàn Tổng Công ty, số tiền tiết kiệm sẽ rất lớn, góp phần giảm chi phí đầu vào trên mỗi tấn gạo bán ra, đồng nghĩa với việc giá gạo xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn.
SECO cho biết, Dự án không chỉ liên kết với VINAFOOD2 mà thực hiện ở nhiều công ty khác. Đến nay, Dự án đã thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, qua đó giúp tiết kiệm gần 1,1 triệu kWh/năm, tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 phát thải mỗi năm.
Trong phần thảo luận, hầu hết các đại biểu, chuyên gia đều chung nhận định, lâu nay, ngành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm đã lãng phí hàng tỷ USD. Nghĩa là, nếu một khi giảm được sự lãng phí này, giá thành các mặt hàng nông nghiệp trong nước chắc chắn giảm xuống, qua đó tăng được tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nhất là mặt hàng lúa gạo vốn đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực.
Theo SECO, đối với một nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, ý tưởng sản xuất sạch hơn cần phải nhìn xa hơn tầm nhìn của một công ty, đó là phải là tầm nhìn của cả một nền kinh tế.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()