Sản xuất sạch hơn: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
(LSO) – Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020 tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Để triển khai thực hiện, ngày 16/8/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về “Thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, ngành công thương tỉnh đã triển khai chương trình trên địa bàn, nhưng đến hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức tập huấn và tuyền truyền, chưa có đơn vị nào đăng ký thực hiện sản xuất sạch hơn vào hoạt động.
Để triển khai chương trình SXSH trên địa bàn tỉnh, ngày 16/8/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về “Thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020”. Với mục tiêu đến năm 2020 có 90% các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 50% cơ sở sản xuất sẽ áp dụng SXSH và tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng/đơn vị sản phẩm; 70% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về SXSH.
Sản xuất lõi máy bơm tại Công ty TNHH Bảo Long
Thực hiện kế hoạch, hằng năm, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức hội thảo, tập huấn, thực hiện phóng sự, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2017 đến nay, sở đã tổ chức 3 đợt tập huấn, hướng dẫn về các giải pháp áp dụng SXSH, cấp phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền về SXSH cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.
Ông Lã Đức Đoàn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Các chương trình hội thảo, tập huấn về lợi ích và các giải pháp áp dụng SXSH trong công nghiệp do sở tổ chức được các doanh nghiệp đăng ký tham gia đầy đủ nhưng hầu hết chỉ cử nhân viên tham gia, trong đó, có những nhân viên không phụ trách lĩnh vực phù hợp trong doanh nghiệp để có thể tiếp thu và nắm bắt rõ vấn đề. Sau các cuộc tập huấn, tuyên truyền, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký áp dụng quy trình SXSH vào hoạt động.
Về nguyên nhân của việc doanh nghiệp còn thờ ơ với SXSH, theo ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn, không phải là doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, qua mạng Internet và các chương trình truyền hình, chủ doanh nghiệp đã hiểu khá rõ về SXSH. Nhưng do quy mô doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, khả năng tài chính hạn chế và hầu hết vẫn chấp nhận mức hao phí đang diễn ra trong quá trình sản xuất nên không đầu tư hoặc e ngại trong việc thay đổi quy trình.
Sản xuất ván gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Bắc Việt
Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Chi nhánh Hạt mài Tân Mỹ, Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương chia sẻ: Về SXSH, chúng tôi đã được tuyên truyền, tập huấn và đã triển khai đến toàn thể cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, để có thể thực hiện đủ quy trình SXSH với đặc thù của ngành luyện kim thì chi phí đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, chúng tôi mới duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường khu vực làm việc, phân xưởng. Đồng thời thực hiện một số giải pháp điều chỉnh thời gian lò luyện để tiết kiệm năng lượng.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó chỉ có gần 20 doanh nghiệp có quy mô vừa. Phần lớn dây chuyền, máy móc thiết bị của doanh nghiệp đã được đầu tư từ lâu, mức độ hao phí lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự quan tâm, đầu tư áp dụng SXSH, bên cạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức thì vấn đề quan trọng là phải để mỗi doanh nghiệp nhìn thấy con số hao phí, thiệt hại bằng vật chất cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường bởi hoạt động sản xuất đang diễn ra. Tức là cần có sự kiểm toán, khảo sát và đánh giá kết quả thực tế về toàn bộ quá trình sản xuất. Nhưng đến nay gần như không có doanh nghiệp nào có bộ phận chuyên trách về kiểm toán năng lượng và tỉnh cũng chưa có chuyên gia đủ trình độ đánh giá về vấn đề này.
Trước thực trạng trên, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì mục tiêu đến năm 2020 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH là khó thực hiện. Bởi theo kế hoạch số 53, ngày 11/4/2019 của Sở Công Thương về thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp năm 2019 trên địa bàn tỉnh thì chủ yếu vẫn là hoạt động tuyên truyền như: phát tờ rơi, treo băng rôn về SXSH cho các doanh nghiệp; xây dựng và phát phóng sự về hiệu quả áp dụng SXSH trong công nghiệp; tổ chức hội thảo chuyên đề và tập huấn nâng cao nguồn nhân lực về SHXH. Để đạt mục tiêu đề ra, cần hơn nữa những giải pháp thiết thực về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quy định mang tính bắt buộc để doanh nghiệp nhìn nhận SXSH là vấn đề tất yếu, cần phải thực hiện để phát triển bền vững trong tương lai.
Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. |
YÊN SƠN
Ý kiến ()