Sản xuất rải vụ: Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây ăn quả
– Những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất cây ăn quả rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, giúp tăng thu nhập, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.
Khoảng tháng 5 đến tháng 6 (âm lịch) mới là thời điểm thu hoạch dứa chính vụ, tuy nhiên, nhờ áp dụng kỹ thuật rải vụ nên tại huyện Hữu Lũng, diện tích dứa đã được thu rải rác từ trước Tết Nguyên Đán đến nay.
Bà Nguyễn Thị Thu, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn cho biết: Dứa chính vụ thường trùng với mùa thu hoạch nhiều loại quả nên khó bán, giá thấp. Do đó, trong 5 năm trở lại đây, tôi học tập kỹ thuật, cách xử lý để dứa cho quả rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, gia đình tôi trồng hơn 2 vạn gốc dứa, nhờ xử lý rải vụ nên được thu rải rác từ trước Tết Nguyên Đán đến khoảng tháng 5 dương lịch, giá bán từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, cao gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất chính vụ như trước. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ trồng dứa.
Người dân xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng thu hoạch dứa
Năm 2021, toàn huyện Hữu Lũng có khoảng 120 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã: Minh Sơn, Minh Hòa, Nhật Tiến, Hồ Sơn. Khoảng 5 năm trở lại đây, để nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân trồng dứa trên địa bàn huyện tập trung sản xuất dứa rải vụ thay vì trồng chính vụ như trước.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đối với cây dứa, khi sản xuất rải vụ, hiệu quả kinh tế tăng từ 15% đến 20% so với chính vụ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện, người dân còn thực hiện rải vụ cây na, diện tích hằng năm khoảng 200 ha, giá trị kinh tế đem lại cao gấp đôi so với làm chính vụ.
Tương tự, tại huyện Chi Lăng, phong trào sản xuất na rải vụ cũng phát triển trong những năm gần đây. Nếu như thời điểm thu hoạch na chính vụ là từ tháng 7 đến giữa tháng 8, thì hiện nay, người dân áp dụng kỹ thuật để thu hoạch na gối vụ từ tháng 9 đến giữa tháng 11 (dương lịch). Theo đó, hằng năm, diện tích na rải vụ huyện luôn duy trì khoảng 200 ha.
Ông Đỗ Khắc Thu, thôn Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Hằng năm, gia đình tôi sản xuất rải vụ khoảng 300 cây na. Về chăm sóc, na rải vụ có phức tạp hơn na chính vụ song năng suất và thu nhập cao hơn, giá na lại ổn định. Trung bình na trái vụ có giá từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với chính vụ; mẫu mã quả to, đẹp hơn.
Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, hiện toàn tỉnh có trên 17.000 ha cây ăn quả. Trong đó, người dân áp dụng kỹ thuật rải vụ cây ăn quả tập trung chủ yếu với cây na và dứa tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích hơn 500 ha.
Bà Hoàng Thị Ái, quyền Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Việc rải vụ giúp kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế việc tập trung thu hoạch vào một thời điểm nhất định dễ dẫn đến hiện tượng cung vượt cầu, mất giá nông sản. Tuy nhiên, khi bà con áp dụng các kỹ thuật rải vụ cây ăn quả cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu để xây dựng kế hoạch rải vụ từng loại cây ăn quả cụ thể, phù hợp. Áp dụng biện pháp rải vụ cần đi đôi với việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng trong giai đoạn rải vụ thu hoạch, tránh làm cây suy kiệt.
Sản xuất cây ăn quả rải vụ không chỉ giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản với giá cao, tăng hiệu quả sản xuất mà còn đáp ứng yêu cầu cung cấp nông sản liên tục cho thị trường. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các ngành chức năng cần hướng dẫn người dân thực hiện giải pháp, quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Rải vụ cây ăn quả là biện pháp chủ động xử lý, điều chỉnh cây ra quả lệch vụ sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch bình thường để tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn với sản lượng lớn. |
Ý kiến ()