Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Phú Yên
Phú Yên được xem là vựa lúa của miền trung, với 24 nghìn ha đất lúa hai vụ, cho sản lượng bình quân 340 nghìn tấn/năm. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán kéo dài, người nông dân đã chuyển đổi tập quán chuyên canh sản xuất lúa ở các vùng thiếu nước, sang đa dạng cây trồng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ đột phá trong thâm canh lúa
Từ tập quán sạ lan, sạ dày, đến nay, nông dân Phú Yên đã chuyển hẳn sang việc sạ hàng, sạ thưa, đưa các giống lúa mới vào gieo trồng. Với mật độ gieo sạ từ 80 kg đến 100 kg hạt giống/ha (giảm khoảng 100 kg đến 120 kg/ha so với sạ dày), đã cho năng suất lúa bình quân đạt bảy tấn/ha/vụ; cá biệt có nhiều mô hình thâm canh lúa đạt tám đến 12 tấn/ha/vụ.
Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (HTX NN KDTH Hòa Quang Nam) tại huyện Phú Hòa có 879 ha lúa, trong đó có 819 ha trồng lúa hai vụ, hiện áp dụng sạ hàng trên 500 ha, còn lại dùng biện pháp sạ thưa. Nếu như trước kia, bà con gieo từ 12 kg đến 20 kg lúa giống/sào, thì nay chỉ gieo sáu kg đến 10 kg, kết hợp các biện pháp thâm canh, đưa năng suất lúa của HTX đạt 14 tấn/ha/năm. Mỗi năm, một ha sản xuất lúa ở HTX NN KDTH Hòa Quang Nam thu nhập khoảng 98 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Minh Sinh (ở đội 14 HTX NN KDTH Hòa Quang Nam) có sáu sào đất lúa, nhờ biện pháp sạ hàng, kết hợp sản xuất giống nông hộ, mỗi vụ thu được 2,1 tấn lúa giống. Với giá lúa giống trung bình ở vụ hè thu này là 10.500 đồng/kg, ông Sinh có thu nhập 22 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 15 triệu đồng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Phú Yên đang vận động nông dân sử dụng các loại giống lúa mới và lúa lai cho năng suất, giá trị kinh tế cao, thay thế các loại giống đã thoái hóa. Mỗi năm, tỉnh Phú Yên mở các chương trình tập huấn, đào tạo cho hơn 2.500 nông dân tự sản xuất giống lúa (chiếm 1% số hộ nông dân sản xuất lúa trên toàn tỉnh); hỗ trợ thành lập tám câu lạc bộ sản xuất giống, sản xuất được 300 tấn lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương. Do đó, năng lực sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận tại tỉnh Phú Yên tăng từ 800 tấn năm 2011 lên 1.500 tấn năm 2015.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông dân Phú Yên đã đạt đến trình độ thâm canh khá cao. Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ sạ hàng, sạ thưa, đến việc chọn giống mới chất lượng cao, sản xuất hai vụ lúa chính trong năm…, tỉnh đã giải quyết hàng loạt vấn đề về chi phí cho sản xuất và môi trường sinh thái trên đồng ruộng; làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân.
Đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Để thích ứng diễn biến thời tiết, tỉnh Phú Yên đã và đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi tập quán chuyên canh sản xuất lúa ở các vùng thiếu nước, nhiễm mặn, nhất là đất lúa một vụ, sang đa dạng trồng các loại cây hằng năm, đem lại hiệu quả cao kinh tế cao hơn. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi hơn 1.200 ha đất trồng lúa một vụ thiếu nước sang trồng các loại cây khác, trong đó riêng năm 2015, chuyển đổi hơn 700 ha.
Phú Hòa là huyện thuần nông của tỉnh Phú Yên, được xem là địa phương dẫn đầu trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Với 5.518 ha đất hai vụ lúa, trước đây, bà con có tập quán sản xuất ba vụ lúa/năm; trong đó, ngoài hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu, còn có lúa vụ 10 (thu hoạch vào tháng 10 âm lịch). Từ năm 2008 trở về trước, năng suất lúa bình quân của huyện ở hai vụ lúa chính chỉ đạt 6,5 tấn/ha; riêng lúa vụ 10, năng suất bấp bênh, bình quân 2,6 tấn/ha. Bên cạnh đó, việc sản xuất ba vụ lúa trong năm còn làm đồng ruộng luôn trong tình trạng yếm khí, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại vụ mùa tiếp theo. Từ những hạn chế đó, huyện Phú Hòa xây dựng mô hình “Cánh đồng chỉ sản xuất hai vụ lúa chính đạt năng suất 16 tấn/ha/năm trở lên hoặc tăng thêm thu nhập sáu triệu đồng/ha/năm”. Và mô hình mới này đã thật sự hiệu quả, làm thay đổi tập quán người trồng lúa. Hộ ông Đinh Văn Đạo ở xã Hòa Hội, với công thức luân canh trồng dưa hấu – mè – bông, cho thu nhập 89 triệu đồng/ha/năm, lãi 52 triệu đồng; ông Liêu Đình Long ở Hòa Định Đông, với công thức lúa – dưa hấu – dưa leo cho thu nhập 59 triệu đồng, lãi 42 triệu đồng/ha/năm…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa Đào Duy Linh cho biết: “Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2015, toàn huyện đưa vào gieo sạ lúa trên 620 ha, nhưng do các hồ đập, sông suối cạn kiệt, nên địa phương phải cắt giảm 70 ha. Đồng thời, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng khô hạn sang các loại cây trồng cạn, dùng ít nước, mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế”.
Tại một số xã của huyện Tuy An, do nằm cuối nguồn hệ thống thủy nông Đồng Cam, thường xuyên bị thiếu nước, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau màu trên đất lúa. Một số cánh đồng tại các xã An Hòa, An Mỹ, với mô hình sản xuất rau quả, cho tổng thu nhập trung bình 133 triệu đồng/ha/năm, lãi 40 triệu đồng. Đáng chú ý, cánh đồng 10 ha sản xuất luân canh khổ qua – cà tím – xà lách – cải ngò – hành ở Đồng Lớn, xã An Hòa đã đạt mức thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ha. Điển hình, hộ ông Huỳnh Tấn Mạnh trồng khổ qua, thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm. Riêng năm 2014, nông dân huyện Tuy An chuyển gần 200 ha đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng luân canh cây đậu xanh với rau màu, đem lại doanh thu trung bình 100 triệu đồng/ha/năm; trong đó, riêng cây đậu xanh đạt năng suất bình quân 1,9 tấn/ha. Với giá 26 nghìn đồng/kg, mỗi ha đậu xanh sau khi trừ chi phí, nông dân lãi hơn 32 triệu đồng. Tương tự, 79 hộ nông dân ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa tham gia mô hình trồng lạc giống TB25 trên diện tích 20 ha, cho năng suất từ 3,4 tấn đến 4,2 tấn/ha, trừ chi phí, lãi 46 triệu đồng/ha… Trong đó, có hộ ông Phạm Văn Thành trồng 0,5 ha lạc, thu được 1,7 tấn, bán với giá 20 nghìn đồng/kg, lãi 23 triệu đồng. Hay ở xã miền núi Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu có mô hình trồng ngô trên 10 ha đất lúa một vụ, cho năng suất hơn 16 tấn/ha, nông dân thu lãi gần 48,5 triệu đồng/ha… Hiện nay, ở Phú Yên, nhiều địa phương còn chuyển đổi trồng lúa tại những vùng đất thiếu nước sang trồng cỏ nuôi bò, đạt doanh thu bình quân từ 36 đến 90 triệu đồng/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển diện tích lúa sang cây trồng khác, ngành nông nghiệp tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công bố một số giống ngô, lạc, dưa hấu, cỏ… đã trồng trên địa bàn tỉnh cho năng suất cao. Về lâu dài, từ những mô hình thâm canh, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh xác định cần tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài, ứng phó biến đổi khí hậu. Với các giải pháp đầu tư hệ thống thủy lợi, hồ đập trên cơ sở tính toán được nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, điều chỉnh lịch thời vụ linh hoạt; nghiên cứu sản xuất hạt giống, cây giống, ứng dụng các biện pháp, quy trình kỹ thuật nhằm giảm tác động bất lợi của thời tiết và biến đổi khí hậu.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()