Sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường
Mô hình trồng cam ở xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn) sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ I-xra-en cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tổ chức lại sản xuất
Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 360.000 ha. Ðặc điểm khí hậu đa dạng, thuộc tiểu vùng khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Khái quát về sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng cho biết: Những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của tỉnh trồng ngô, lúa nương, sắn, cơ cấu cây trồng ngắn ngày, canh tác trên đất dốc. Sau nhiều năm khai thác, đất bị bào mòn, rửa trôi, tác động xấu đến môi trường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã trăn trở, tìm bài toán cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các mô hình khuyến nông đã gợi mở hướng đi mới cho Sơn La. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tổ chức lại sản xuất, mở diện mô hình chuỗi kết nối giá trị trong sản xuất nông nghiệp? Ðồng chí Lò Minh Hùng cho biết, thay vì sản xuất theo lối cũ, Sơn La xác định rõ sản xuất hàng hóa để bán, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ. Ðây là vấn đề cốt yếu giúp Sơn La “bừng tỉnh”, xoay chuyển được tình hình trong sản xuất nông nghiệp.
Gần 5 năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kết luận số 121-TB/TU ngày 30-11-2015 về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ðồng thời, tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương khác. Sơn La đã chủ động làm việc với các tập đoàn: TH, Quế Lâm, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao, Công ty cổ phần Lavifood, thực hiện sưu tầm, cải tạo bộ giống mới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Liên kết 4 nhà: Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và người sản xuất. Tổ chức lại từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, kết nối hàng chục nghìn hộ nông dân, các trang trại thông qua vai trò “mắt xích” là các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ. Năm 2015, Sơn La mới có 155 HTX đến nay đã thành lập được 580 HTX nông nghiệp.
Về cơ chế chính sách, Sơn La có cách làm sáng tạo, sát thực tiễn. Ngoài việc hỗ trợ 35% lãi suất vay ngân hàng năm 2017, HÐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 28/2017/NQ-HÐND về hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Toàn tỉnh có 25.900 hộ gia đình được hưởng chính sách này. Nhờ đó, 60% diện tích xoài, 75% diện tích nhãn giống cũ đã chuyển sang giống ghép hoặc trồng giống mới. Các chính sách hỗ trợ của Sơn La áp dụng uyển chuyển theo nguyên tắc “dân làm thì Nhà nước hỗ trợ”. Năm 2017, tỉnh hỗ trợ ghép mắt, cải tạo vườn tạp, năm 2018 chuyển sang hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý vùng trồng, khuyến khích ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Năm 2019, tập trung hỗ trợ tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm. Thí dụ, năm 2017 mới đưa vào thí điểm sử dụng 250 nghìn túi bao quả xoài xuất khẩu, năm 2018 tăng lên 5 triệu túi và năm 2019 đã tăng lên 13,5 triệu túi bao quả, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng quả xoài mang thương hiệu Sơn La.
Với một loạt giải pháp đồng bộ từ chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ cao, thay đổi giống, ghép, áp dụng quy trình sản xuất mới, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp Sơn La đã khởi sắc. Kết quả là diện tích cây ăn quả Sơn La năm 2018 đạt 58.824 ha, tăng gấp 2,5 lần so ba năm trước đó. Năm 2018, lần đầu sản phẩm cây ăn quả của Sơn La xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Mỹ. Năm 2019, nông nghiệp Sơn La xuất khẩu đạt trị giá 140,1 triệu USD, tăng 21,8% so với năm 2018. Trong đó, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu xoài sang Anh, chanh leo sang Pháp. Thị trường nội địa tiếp tục được mở rộng đạt 124 chuỗi cung ứng vào các siêu thị: Vinmart, Big C, Lotte, Hapro và khắp các chợ đầu mối ở Hà Nội. Hiện thị trường này ổn định cung ứng với 19 chuỗi rau, 73 chuỗi quả, một chuỗi cà-phê, bốn chuỗi chè, ba chuỗi thịt lợn, hai chuỗi gà, năm chuỗi mật ong, 17 chuỗi cung ứng thủy sản cá sông Ðà…
Ðể sản xuất bền vững
Nhờ tổ chức lại sản xuất mà Sơn La đã chuyển đổi được 50.000 ha ngô, lúa nương kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cho thu nhập vượt trội, như: Chè đạt 80 triệu đồng/ha, cà-phê 100 triệu đồng/ha, xoài ghép 250 triệu đồng/ha, nhãn ghép 300 triệu đồng/ha, chanh leo tím, bơ 350 triệu đồng/ha, na hoàng hậu 500 triệu đồng/ha. Ðối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì đây là một bước đột phá quan trọng.
HTX Mé Lếch có trụ sở tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Tứ cho biết, HTX chuyên trồng na, với 20 thành viên, khai thác 70 ha na dai và na hoàng hậu. Năm 2019, HTX xuất được hơn 500 tấn na bán vào chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Nhờ chất lượng quả na dai đồng đều, thơm, quả ngọt dịu, được sản xuất theo quy trình VietGAP cho nên sản phẩm luôn được tiêu thụ hết. Hiện HTX được chọn là một trong 5 đơn vị áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ với mức hỗ trợ 900 triệu đồng của tỉnh.
Dự thảo văn kiện trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã chọn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng lớn, đột phá của tỉnh. Ðể nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững, tỉnh đã chỉ đạo cho rà soát lại quy hoạch, phát huy lợi thế đất đai, khí hậu để gắn với quy hoạch chung của cả nước. Giai đoạn tới, Sơn La tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với thị trường; nghiên cứu, đề xuất chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025; tiếp tục nghiên cứu, phát triển HTX kiểu mới gắn kết các hộ gia đình với doanh nghiệp trong chuỗi nông sản bền vững. Thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học – công nghệ, chế biến nâng cao giá trị hàng hóa; ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh, hình thành 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 20.000 ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GAP; duy trì và phát triển thương hiệu cho 27 sản phẩm nông nghiệp trở lên đã có nhãn hiệu được bảo hộ, phát triển 150 đến 200 sản phẩm OCOP.
Trong bối cảnh tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, tỉnh Sơn La vẫn đang chủ động xây dựng các phương án tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Xác định thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, hiện Sơn La tập trung mở rộng thị trường nội địa, kết nối với các đầu mối tiêu thụ truyền thống, vươn điểm tiêu thụ mới ở miền trung, miền nam. Mới đây, tỉnh vừa đưa thêm nhà máy chế biến hoa quả, đồ uống công nghệ cao của Tập đoàn TH và Nhà máy chế biến nông sản (SI) Vân Hồ vào sản xuất. Trong bài toán tổ chức lại sản xuất, tỉnh đã phê duyệt sáu nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Ý kiến ()