Sản xuất nông nghiệp: Tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
– Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, quy mô liên kết còn nhỏ lẻ.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đã hình thành, có một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Điển hình như mô hình trồng rau an toàn và trồng cây dược liệu cúc hoa theo chuỗi giá trị sản xuất, liên kết khép kín từ cung ứng giống cây trồng, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm giữa Công ty Cổ phần ECI Lạng Sơn với người dân tại xã Điềm He (Văn Quan); chuỗi liên kết giữa Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm dưa chuột, ngô bao tử, cà chua bi, măng tre Bát Độ (huyện Hữu Lũng); liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây giữa Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn với bà con trồng khoai tây tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình;…
Thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng trưng bày, bán sản phẩm măng Bát độ sấy khô
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như vậy đã giúp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng giá trị sản xuất lên 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất đại trà. Qua đó, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2020 đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm nông, lâm nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết còn khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 5,07% trên tổng số các sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đồng thời; các chuỗi đã thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng về sản xuất, cũng như sự đa dạng về các sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi trên địa bàn là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Tuy đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung nhưng tính tổ chức, liên kết còn hạn chế và chưa có những dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 249 HTX nông nghiệp đang hoạt động nhưng mới chỉ có 58 HTX tham gia liên kết với các hộ nông dân thực hiện vào một số khâu trong chuỗi liên kết như: hỗ trợ phân bón trả chậm, thu mua sản phẩm… HTX tham gia chuỗi liên kết theo đúng hình thức chuỗi giá trị khép kín gần như chưa có.
Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn quá ít (hiện trên địa bàn tỉnh mới có 7 chuỗi liên kết khép kín được ngành nông nghiệp và các cấp có thẩm quyền xác nhận) dẫn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiều lúc không hiệu quả như mong muốn, thiếu tính bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để thực hiện hiệu quả việc liên kết theo chuỗi giá trị trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các huyện, thành phố đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở cho việc hình thành các chuỗi giá trị. Việc phát triển vùng sản xuất gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp, chính quyền các huyện, thành phố cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Nhận định rõ những hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng các chuỗi liên kết, UBND tỉnh đã giao ngành chuyên môn xây dựng đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung hướng vào phát triển các vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu…
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, HTX, chất lượng và số lượng các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp sẽ từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh
Ý kiến ()