Sản xuất nông nghiệp: Sức bật từ khoa học công nghệ
LSO- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm được tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình hành động tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp tại Hà Nội tham quan vùng sản xuất hồng Bảo Lâm trên địa bàn huyện Cao Lộc
Hiệu quả từ khoa học
Trong 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó nổi bật là việc nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất ra các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao.
Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: đối với cây lương thực, qua khảo nghiệm rất nhiều giống lúa mới như nhị ưu 838, LS1; rồi các giống ngô như CP888, CP9896, các giống dòng NK…được đưa vào sản xuất đại trà. Qua đó góp phần quan trọng đưa tổng sản lượng lương thực bình quân của tỉnh từ hơn 200 nghìn tấn/năm lên đến trên 300 nghìn tấn/năm.
Đối với các loại cây thực phẩm, rau màu là việc đưa giống khoai tây sạch bệnh vào thay thế dần cho giống cũ, từng bước hình thành các vùng sản xuất rau VietGap và bắt đầu nhân rộng những mô hình như trồng gấc cao sản, nho Cự phong, ớt xuất khẩu…
Trong lâm nghiệp và cây ăn quả, những nghiên cứu về sâu bệnh hại, tuyển chọn cây giống đầu dòng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thí điểm hình thành vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn… đã hình thành các vùng rừng kinh tế như vùng thông, keo, bạch đã và các vùng sản xuất tập trung như vùng na, vùng quýt, vùng hồng.
Nông dân Hữu Lũng áp dụng kỹ thuật gieo mạ khay vào sản xuất
Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ góp phần tăng năng suất cây trồng mà chất lượng, giá trị nông sản cũng được nâng lên. Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm như rau xanh, thuốc lá, thạch đen hằng năm đem lại nguồn thu nhập trên 600 tỷ đồng cho người nông dân. Trong khi đó chỉ tính riêng na và quýt đã mang lại thu nhập hơn 200 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đánh giá: không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà một số nông sản của Lạng Sơn đã chiếm được tình cảm của người tiêu dùng thủ đô thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại; nhiều loại sản phẩm đặc hữu đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… Đó chính là thành công của Lạng Sơn trong việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục đổi mới
Tính từ năm 2008 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu 81 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: từ trồng trọt, bảo vệ thực vật đến lâm nghiệp, chăn nuôi thú y, bảo vệ môi trường trong sản xuất…
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những mặt hạn chế như: việc nhân rộng các mô hình hiệu quả; chưa xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; vùng sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán… Điều đó đòi hỏi sự cần thiết phải đổi mới nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng.
Đổi mới đầu tiên, theo ông Thanh chính là việc xác định nội dung ưu tiên nghiên cứu, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực mà tỉnh đã xác định. Tiếp đến là đổi mới các hình thức chuyển giao, không chỉ các đơn vị chuyên môn mà có sự phối hợp của các hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất.
Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: hiện nay, Trung tâm đang tích cực chỉ đạo đổi mới hoạt động khuyến nông, trước mắt là đổi mới công tác tập huấn, thay vì tập huấn tràn lan như hiện nay, nội dung tập huấn sẽ đi sâu vào các loại cây, con thế mạnh của tỉnh và những vấn đề khó khăn cần giải quyết trong nông nghiệp hiện nay. Nói cách khác, tập huấn bắt nguồn từ nhu cầu của người dân chứ không phải là sự áp đặt của cơ quan chuyên môn.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng trong Chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được và giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế thì khoa học, công nghệ sẽ thực sự tạo sức bật nhanh và mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()