Công ít, thu nhập cao
Trang trại Phong Thúy (tên thường gọi của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản Phong Thúy) là một trong những đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Với diện tích 70 ha, trong đó có hơn 20 ha là liên kết với các hộ nông dân trong tỉnh, trang trại Phong Thúy hoạt động khép kín, quản lý từ khâu gieo trồng, canh tác đến sơ chế và vận chuyển tiêu thụ. Sản phẩm chủ yếu của trang trại là rau, quả xứ lạnh, tiêu thụ 70% tại các siêu thị, nhà hàng trong nước, 20% bán trên thị trường tự do và 10% xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhờ phương thức sản xuất hữu cơ, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, một số cây được trồng bằng phương pháp thủy canh trong nhà kính, các sản phẩm của Phong Thúy đạt hầu hết các tiêu chuẩn như: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
Là một trong những hộ dân liên kết cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với trang trại Phong Thúy, ông Lê Công Thôn (tổ 60, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) cho biết: Gia đình có ba héc-ta trồng các loại rau, củ, quả theo mùa và theo đơn đặt hàng của trang trại. Chúng tôi đã tham gia mô hình này từ 10 năm nay, ngay từ những ngày đầu với ý tưởng sơ khai. Ba năm gần đây do đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cộng với việc đưa vào trồng nhiều sản phẩm đặc biệt như cà chua đen, ớt chuông, dưa leo…, có giá trị kinh tế cao cho nên thu nhập cũng tăng tương ứng. Trong khi đó, công lao động lại giảm đi rõ rệt nhờ vào công nghệ tưới nước nhỏ giọt, phun sương, thời điểm thu hoạch tập trung… Theo tính toán của ông Thôn thì, so với canh tác nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Trung bình mấy năm gần đây, mỗi héc-ta gia đình ông thu được 200 tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt hơn hai tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt một tỷ đồng/ha. Ông Thôn phấn khởi cho biết: Làm nông nghiệp như thế này rất “đã”, trước đây từng muốn con cái thoát nông để đổi đời nhưng từ khi đi theo nông nghiệp công nghệ cao thì gia đình tôi còn khuyến khích con cái bám nghề nông và tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập cao, công ít nhưng không phải địa phương nào của khu vực Tây Nguyên cũng làm được như những mô hình của tỉnh Lâm Đồng. Tại tỉnh Đác Lắc – một trong những tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây cà-phê nhưng cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Đác Lắc đã ban hành nhiều chủ trương phát triển cây cà-phê bền vững trong các khâu như: Ứng dụng kỹ thuật trong vườn ươm để sản xuất các loại giống cà-phê kháng sâu bệnh và cho năng suất cao; sử dụng phân bón sinh học cho cà-phê, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước; ứng dụng công nghệ và thiết bị chế biến cà-phê hòa tan. Tuy nhiên, đến nay diện tích cà-phê được ứng dụng công nghệ cao chỉ dừng lại ở khâu sản xuất giống. Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cũng chưa được nhiều hộ dân áp dụng. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có khoảng 15% tổng diện tích cà-phê được cấp chứng nhận cà-phê chất lượng như: Common Code for the Coffee Community (4C), UTZ Certified (UTZ), RainForest. Chưa kể đến diện tích cây cà-phê bị già cỗi không được tái canh theo kế hoạch khiến năng suất, chất lượng cà-phê giảm theo từng năm. Tương tự như tỉnh Đác Lắc, tại tỉnh Đác Nông, một số doanh nghiệp cũng được tỉnh đồng ý cho xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại chậm triển khai do cơ sở hạ tầng đường điện, nước chưa được địa phương đầu tư trong khi doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính tự hoàn thiện. Sự dở dang của các dự án vì thế cứ kéo dài.
Ông Lê Công Thôn (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) chăm sóc vườn cà chua trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tăng cường hỗ trợ vốn và kỹ thuật
Trao đổi với chúng tôi về những thách thức trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Đác Lắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quốc Thích cho biết: Vấn đề lớn nhất trong áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là nguồn vốn, nhân lực làm công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và sự quyết tâm theo đuổi của người dân. Nhìn cụ thể từ cây trồng chủ lực của tỉnh là cà-phê có thể thấy rõ điều đó. Các hộ dân đều biết rõ diện tích cà-phê già cỗi cần tái canh nhưng do không tiếp cận được vốn ưu đãi, đồng thời không có tích trữ tài chính trang trải sinh hoạt trong thời gian tái canh cây trồng cho nên vẫn tiếp tục canh tác dù năng suất, chất lượng thấp. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cũng khá tốn kém, không phải hộ dân nào cũng có khả năng chi trả. Trong khi đó, việc triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh cũng chậm thực hiện do thiếu kinh phí và nhà đầu tư.
Những khó khăn nêu trên không chỉ đối với tỉnh Đác Lắc, mà ngay tỉnh Lâm Đồng – địa phương được coi là “thủ phủ” ứng dụng công nghệ cao của khu vực Tây Nguyên cũng đang vướng phải. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn phân tích: Do suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao lớn hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống cho nên một bộ phận nông dân không có đủ năng lực đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa thu hút được đông đảo nông dân và doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của các Viện Nghiên cứu trên địa bàn chưa được tiếp cận để ứng dụng rộng rãi, ngược lại địa phương cũng chưa đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với các cơ quan của Trung ương. Đó là một số những lý do chính mà sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của tỉnh về Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011 – 2016, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh mới đạt 30% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, diện tích áp dụng cũng chỉ chiếm hơn 16% diện tích canh tác. Trước thực tế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đang kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể cơ chế, chính sách, tiêu chí hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phù hợp với từng vùng, giúp các tổ chức cá nhân có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên cả nước, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 100 nghìn ha cây cà-phê trong toàn vùng sẽ không có nước tưới. Song song với đó là các cây trồng khác và ngành chăn nuôi cũng phải hứng chịu những thiệt hại không nhỏ. Chính vì vậy, yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Điều đó không chỉ nhằm mục đích lâu dài là gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho ngành nông nghiệp mà còn để đối phó với thời tiết đang ngày càng có những diễn biến cực đoan và bất thường.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đác Lắc sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi. Đồng thời, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà-phê với diện tích 40 nghìn ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha. Tại tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016 – 2020, sẽ tập trung phát triển công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất xuống dưới 10%, tăng tỷ lệ sản phẩm qua chế biến đạt 40 đến 50% sản lượng; Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 50% diện tích rau được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Ý kiến ()