Sản xuất nông nghiệp Chi Lăng: Phát triển các mô hình chuyên canh
(LSO) – Khai thác lợi thế thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của từng xã, thị trấn, đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Chi Lăng đã xây dựng được những vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp, hàng trăm mô hình kinh tế hộ gia đình doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chi Lăng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/HU về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Chi Lăng giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ đó, hằng năm, huyện phát động phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi”, thực hiện chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là sử dụng giống mới có năng suất cao, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất hàng hóa được nhân dân đồng thuận hưởng ứng.
Bà Chu Thị Vinh kiểm tra sâu bệnh trên cây bưởi Diễn của gia đình
Riêng trong năm 2018, huyện dành nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ để phát triển các mô hình phát triển sản xuất. Điển hình như hỗ trợ thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt cho cây có múi tại xã Chi Lăng; mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Quang Lang; đưa khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây hồi cho 6 thôn tại xã Bằng Mạc với tổng diện tích 56 ha; xây dựng Tổ hợp tác chăn nuôi gà Vạn Linh tại xã Vạn Linh…
Để tìm hiểu thực tế, phóng viên đã đến thăm mô hình cây ăn quả tưới nhỏ giọt của gia đình bà Chu Thị Vinh, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng vào đầu tháng 4/2019 vừa lúc bà đang kiểm tra vườn bưởi Diễn của gia đình. Bà Vinh chia sẻ: “Hơn 5 năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ cây bưởi Diễn và cây na. Vườn bưởi hiện có hơn 300 cây, đều đã cho thu hoạch được 5 vụ, đang đậu quả cho vụ thứ 6. Vườn na thì có 500 cây. Trước đây, gia đình trồng theo kinh nghiệm là chính, năng suất thấp, lại không được giá. Từ năm 2016 đến nay, được sự vận động, hướng dẫn của UBND huyện, của xã, gia đình đăng ký tham gia sản xuất nông nghiệp an toàn theo khoa học kỹ thuật. Từ đó, năng suất, chất lượng quả tăng cao, bưởi bán tại vườn bình quân 20.000 đồng/quả, na có giá từ 20.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, cả 2 vụ na và bưởi cho thu nhập từ 500 – 800 triệu đồng.
Theo thông tin của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn huyện có hơn 300 mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Hàng nghìn hộ gia đình vươn lên khá giả từ vườn cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày.
Với sự hưởng ứng của người dân, huyện Chi Lăng đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung dựa vào điều kiện tự nhiên của từng xã. Điển hình như một số vùng cây ngắn ngày như: vùng nguyên liệu thuốc lá với quy mô khoảng 600 ha tập trung tại các xã: Quang Lang, Y Tịch, Vạn Linh.; vùng ớt tại các xã: Mai Sao, Nhân Lý, Bắc Thủy, Vân Thủy. Hoặc các vùng cây công nghiệp dài ngày như: vùng cây hồi với quy mô hơn 1.400 ha; vùng cây thông với quy mô trên 12.000 ha và vùng keo, bạch đàn có quy mô trên 14.000 ha.
Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thúc đẩy sản xuất, hằng năm, UBND huyện phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người nông dân theo từng chuyên đề nhưng đều hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng thương hiệu.
Có thể khẳng định, việc xây dựng thành công các vùng chuyên canh, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Chi Lăng đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Ý kiến ()