Thứ 7, 23/11/2024 00:17 [(GMT +7)]
Sản xuất nông nghiệp 2013: Tập trung tái cơ cấu sản xuất
Thứ 6, 04/01/2013 | 08:56:00 [(GMT +7)] A A
Việc tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương được thực hiện gắn liền với việc phát triển cơ sở hạ tầng nông nhiệp, nông thôn phục vụ sản xuất và đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những giải pháp cụ thể này chỉ có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng trực tiếp sản xuất là nhà nông.
LSO-Năm 2012, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giành được những thắng lợi quan trọng. Tăng trưởng toàn ngành đạt 4,45% vượt mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Để tiếp tục phát huy những thắng lợi đó, năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất nông, lâm nghiêp, thủy sản gắn với việc tổ chức sản xuất lại ngành nông, lâm nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hay nói cách khác là tái cơ cấu lại để sản xuất phát triển bền vững hơn.
Nông dân xã Yên Thịnh (Hữu Lũng) thu hoạch dưa chuột xuất khẩu sang Nhật Bản
Trao đổi nhanh với phóng viên bên lề hội nghị trực tuyến do Bộ NN&PTNT tổ chức, triển khai nhiệm vụ năm 2013, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn cho rằng năm nay sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với khá nhiều khó khăn. Trên thực tế, ngay khi bắt tay vào sản xuất vụ đông năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chậm vụ do thời tiết mưa nhiều, không chuẩn bị được đất. Đồng thời khâu liên kết sản xuất với các doanh nghiệp cũng là vấn đề nan giải được đặt ra ngay từ đầu vụ. Rất nhiều địa phương lúng túng trong việc đưa ra các phương án sản xuất linh hoạt, thích ứng với điều kiện thị trường và thời tiết hiện tại. Điều này đặt ra đòi hỏi vừa cấp thiết, vừa lâu dài là phải tái cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp để có thể đứng vững và phát triển được trong bối cảnh hiện nay.
Thực chất đây không phải là vấn đề mới, việc này đã được ngành NN&PTNT đưa ra từ vài năm trước, nhưng năm nay vấn đề được đặt ra đã sát thực hơn. Do đó nhóm giải pháp đưa ra cũng rất cụ thể. Đối với ngành trồng trọt, phương hướng chính là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Cụ thể đối với nhóm cây lương thực, các ngành đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ sử dụng lúa lai đạt 40% trong vụ đông xuân. Đồng thời mở rộng diện tích lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay lên khoảng 10% diện tích cả năm, tức là khoảng 4.500ha. Theo tính toán, chỉ cần thực hiện triệt để hai biện pháp này, sản lượng lương thực của cả tỉnh đã tăng lên đáng kể, trong khi đó nhà nông tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng các chi phí đầu vào. Đối với các loại cây hàng năm khác, đặc biệt là các loại cây mũi nhọn chủ trương phát triển thành vùng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn liền với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt khuyến khích các địa phương chủ động kêu gọi, mời các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất. Mặt khác chú trọng tới các khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Trong năm 2013, toàn tỉnh đặt ra mục tiêu diện tích gieo trồng đạt gần 101 nghìn ha, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 300.340 tấn. Trong khi đó các đơn vị chuyên môn và các địa phương cần tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đối với ngành chăn nuôi và thủy sản, tái cấu trúc theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Duy trì hình thức chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đang khân trương hoàn thiện quy hoạch phát triển chăn nuôi Lạng Sơn, đây sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng chiến lược phát triển dài hơi cho ngành sản xuất quan trọng được coi là động lực trong nội ngành nông nghiệp. Đối với ngành lâm nghiệp, tuy năm 2013 nguồn vốn đầu tư khá dồi dào, cộng thêm việc xã hội hóa nghề rừng đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ tiêu năm nay lại cao hơn hẳn, ở mức trồng mới 9.000ha, cao hơn năm trước 1.000ha. Muốn triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu này, bắt buộc các địa phương phải tranh thủ, tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư từ ngân sách và tạo điều kiện tối đa để người dân đầu tư trồng rừng. Khuyến khích trồng phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng trồng hỗn giao, đa tầng tán. Trồng rừng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác tăng cường quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả rừng tự nhiên. Đặc biệt vấn đề đặt ra đối với ngành lâm nghiệp trong năm này là phải nhanh chóng tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng, tạo điều kiện cho người trồng, bảo vệ rừng có thêm thu nhập và điều chỉnh lại cơ cấu giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Việc tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương được thực hiện gắn liền với việc phát triển cơ sở hạ tầng nông nhiệp, nông thôn phục vụ sản xuất và đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những giải pháp cụ thể này chỉ có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng trực tiếp sản xuất là nhà nông.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()