Thứ 2, 25/11/2024 00:27 [(GMT +7)]
Sản xuất lương thực: Hiệu quả từ chuyển dịch đồng bộ
Thứ 2, 06/08/2012 | 09:19:00 [(GMT +7)] A A
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh được mùa, năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/ha. Cuộc cách mạng trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống từ nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên chưa đồng đều ở các địa phương. Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: ngay từ cuối vụ xuân, ngành đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người nông dân sử dụng các loại giống chất lượng cao, đồng thời đẩy nhanh thời vụ gieo cấy mùa để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong giai đoạn cuối vụ. Sản xuất lương thực ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo là yếu tố quan trọng để ổn định, phát triển sản xuất. Đó cũng là cái gốc để xây dựng nông thôn mới.
LSO-Đảm bảo an ninh lương thực có vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống nhân dân. Đây cũng là cái gốc để từ đó phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên với trình độ thâm canh và tập quán canh tác còn nhiều hạn chế, việc sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều rủi ro.
Nông dân xã Vân An, huyện Chi Lăng gieo cấy lúa mùa
Thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, cây ngô đã tương đối ổn định về năng suất bởi giống mới đã chiếm tỷ lệ gần 100% trong cơ cấu giống, trong khi đó phong trào đưa ngô xuống các chân ruộng 1 vụ chờ nước đã được nhà nông hưởng ứng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sản xuất lúa thì vẫn còn rất nhiều rủi ro, điểm hạn chế nhất chính là cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ. Do điều kiện khí hậu và tập quán canh tác, nên nông dân Lạng Sơn thường bắt đầu cấy vụ lúa đông xuân chậm hơn các tỉnh miền xuôi gần 2 tháng. Trong đó giống lúa sử dụng lại chủ yếu là lúa thuần, dài ngày. Chính vì vậy vụ mùa cũng phải lùi lại, mặt khác cơ cấu giống sử dụng trong vụ này, tỷ lệ giống thuần dài ngày còn cao hơn cả vụ xuân, nên giai đoạn cuối vụ mùa lúa thường gặp rét và hạn hán. Bài học gần đây nhất là vụ mùa năm 2011, lúa đang thời kỳ trổ bông gặp hạn hán và gió mùa đông bắc nên tỷ lệ lép hạt rất lớn, nhiều địa phương gần như mất trắng. Ước tính toàn tỉnh thất thu hơn 37.000 tấn lương thực. Còn nhớ trong tổng kết sản xuất đông xuân cách đây 3 năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành hữu quan phải đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và tăng tỷ lệ giống lúa lai đưa vào sản xuất. Thời điểm đó, giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ giống lúa lai đưa vào sản xuất lên trên 40%. Đây là mục tiêu rất cao, bởi thời điểm bấy giờ tỷ lệ lúa lai trong vụ xuân cũng chỉ xấp xỉ ở mức 30%.
Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích: thường thì bà con nông dân có suy nghĩ lúa lai cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, nhưng chất lượng thì lại không ngon bằng lúa thuần. Để giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất và chất lượng, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo Trạm khuyến nông các huyện tăng cường triển khai các chương trình đưa lúa lai chất lượng cao vào sản xuất thử nghiệm và khuyến cáo, vận động nhân dân đưa các loại giống này vào sản xuất đại trà. Trên thực tế, các mô hình giống lúa lai chất lượng cao đều đạt kết quả rất tốt. Năng suất cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn và chất lượng gạo chẳng thua kém gì so với lúa thuần. Cũng trong khoảng cuối 2008, Trung tâm khuyến nông đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn khác tổ chức hội thảo về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ. Hội thảo đã xây dựng được nông lịch mới phù hợp với điều kiện của Lạng Sơn, trong đó mùa vụ được đẩy sớm hơn so với truyền thống. Rất nhiều địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu mùa vụ này, đi đầu là huyện Bắc Sơn, mới đầu chỉ là vài trăm ha mùa sớm trên chân ruộng thuốc lá xuân, nhưng đến nay, toàn huyện đã có trên 2.600ha lúa mùa sớm, chiếm hơn 80% diện tích lúa mùa của toàn huyện. Rồi Hữu Lũng, một mặt đẩy mạnh đưa lúa lai vào sản xuất, cho đến nay tỷ lệ đã đạt trên 40%, mặt khác tích cực thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, diện tích lúa mùa vụ sớm không ngừng tăng lên…Hiệu quả của chuyển dịch thấy ngay qua từng vụ. Sản xuất lúa ở Bắc Sơn và Hữu Lũng luôn có sự ổn định rất cao, năng suất thì vượt trội so với các địa phương khác. Có cánh đồng đạt năng suất gần 7 tấn/ha.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh được mùa, năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/ha. Cuộc cách mạng trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống từ nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên chưa đồng đều ở các địa phương. Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: ngay từ cuối vụ xuân, ngành đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người nông dân sử dụng các loại giống chất lượng cao, đồng thời đẩy nhanh thời vụ gieo cấy mùa để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong giai đoạn cuối vụ. Sản xuất lương thực ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo là yếu tố quan trọng để ổn định, phát triển sản xuất. Đó cũng là cái gốc để xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()