Sản xuất lúa chất lượng cao ở Ninh Bình
Ninh Bình là tỉnh nông nghiệp với hơn 80% số dân địa phương là nông dân nhưng trước năm 2000, vẫn thường xuyên thiếu lương thực. Những năm gần đây, bằng cách đưa nhiều giống lúa mới vào đồng ruộng, sản lượng lương thực hằng năm của tỉnh hiện đã đạt con số hơn 50 vạn tấn/năm.Ninh Bình chẳng những bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh mà còn dư thừa bán ngoài thị trường.Khánh Nhạc là một trong ba xã của huyện Yên Khánh được tỉnh Ninh Bình chọn là vùng sản xuất giống lúa cao sản cung cấp cho các huyện trong tỉnh. 'Quan điểm của Đảng ủy, UBND xã là vận động nhân dân trồng lúa chất lượng cao, nhất là giống LT2 với mục đích vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa tăng giá trị lúa hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân', Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc Lê Trung Dũng nói. Khánh Nhạc là xã rộng với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.115 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm gần 900 ha. Trong các năm 2008-2009 đến nay, Khánh Nhạc được tỉnh hỗ trợ, Trung tâm...
Ninh Bình chẳng những bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh mà còn dư thừa bán ngoài thị trường.
Khánh Nhạc là một trong ba xã của huyện Yên Khánh được tỉnh Ninh Bình chọn là vùng sản xuất giống lúa cao sản cung cấp cho các huyện trong tỉnh. 'Quan điểm của Đảng ủy, UBND xã là vận động nhân dân trồng lúa chất lượng cao, nhất là giống LT2 với mục đích vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa tăng giá trị lúa hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân', Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc Lê Trung Dũng nói. Khánh Nhạc là xã rộng với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.115 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm gần 900 ha. Trong các năm 2008-2009 đến nay, Khánh Nhạc được tỉnh hỗ trợ, Trung tâm khuyến nông giúp đỡ kỹ thuật đưa vào đồng ruộng giống lúa chất lượng cao, gồm Phú Ưu 1, CRN, LT2, Bắc Thơm số 7. Qua ba vụ sản xuất, giống lúa chất lượng cao khẳng định chỗ đứng trên đồng ruộng Khánh Nhạc với các ưu điểm chất lượng gạo ngon, lúa cấy được hầu hết các vùng, kể cả chân vàn (vùng trũng), năng suất bình quân đạt khoảng hơn 60 tạ/ha/vụ, cao gấp 1,5 lần so với giống lúa khác.
So với những nơi khác, Yên Khánh thuộc diện 'đất chật người đông' của tỉnh Ninh Bình. Trước năm 2000, Yên Khánh là huyện thuần nông. Đến năm 2002, tỉnh Ninh Bình xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp thì Yên Khánh là một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh. Một số xã vùng ven giáp ranh với TP Ninh Bình như Khánh Phú, đất canh tác chuyển hẳn sang xây dựng khu công nghiệp 300 ha, còn xã Khánh Cư, tỉnh đã quy hoạch hơn 190 ha từ đất trồng lúa sang sản xuất công nghiệp, vì thế bình quân diện tích đất canh tác tính theo dân số của huyện ngày càng thu hẹp, chừng 600 m2/người. 'Bước đột phá có tính chất quyết định là từ năm 2007 đến nay, tỉnh Ninh Bình xây dựng vùng chuyên canh lúa cao sản và lúa chất lượng cao để cung cấp giống cho các huyện khác' – Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh Phạm Quang Ngọc cho biết. Nhằm giúp Yên Khánh sản xuất giống lúa chất lượng cao đạt hiệu quả, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao tại các xã Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Nhạc để từ đó cung cấp kinh phí xây dựng vùng chuyên canh. Cụ thể là kiên cố hóa hệ thống kênh tưới, tiêu kết hợp với hàng chục cây số kênh mương tại các HTX Nam Cường, HTX Đông Cường và Chi nhánh giống lúa Khánh Nhạc. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các xã mua giống lúa chất lượng cao để trồng tại địa phương. Cụ thể, trong vụ đông xuân 2009-2010 tỉnh trích ngân sách địa phương để hỗ trợ hơn tám tỷ đồng cho nông dân mua phân bón NEB-26, đồng thời cấp kinh phí hỗ trợ Trung tâm khuyến nông trong việc cử cán bộ xuống cơ sở giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Theo số liệu thống kê của huyện Yên Khánh, đến nay hơn 50% diện tích đất hai lúa của địa phương đã trồng lúa chất lượng cao. Ngoài các xã Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Nhạc được tỉnh xây dựng vùng sản xuất lúa giống, 14 xã còn lại của huyện đều trồng lúa chất lượng cao với năng suất trung bình đạt khoảng 60 tạ/ha/vụ.
Từ vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân nhân rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao ra toàn tỉnh. Giám đốc Công ty vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: Phương thức cung ứng giống của công ty khá linh hoạt và tự chịu trách nhiệm về những giống đã cung cấp cho nông dân. Đầu vụ, công ty ký hợp đồng sản xuất với nông dân rồi cấp giống cho họ cùng với quy trình kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ thực vật hướng dẫn cho nông dân, đến cuối vụ, công ty cam kết mua hết sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường ở từng thời điểm. Cung ứng giống theo cách này giúp nông dân giải quyết ba khó khăn cơ bản, về vốn, kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm. Chị Bùi Thị Thoa ở thôn Đông Cường cho biết, gia đình có năm sào, từ khi trồng lúa chất lượng cao với quy trình kỹ thuật được cán bộ hướng dẫn năng suất đạt 220 kg thóc/sào. Nếu trồng lúa chất lượng cao bằng phương pháp gieo sạ thì số thóc giống đầu tư vừa thấp (khoảng 0,8 kg/sào thay vì 2,1 kg giống/sào như trước đây) cây mau lớn lại cứng cây, ít sâu bệnh. Phong trào trồng lúa chất lượng cao nhanh chóng lan rộng trong các vùng nông thôn ở Ninh Bình. Huyện miền núi Nho Quan vốn là nơi thiếu nước bởi địa hình phức tạp nhưng cũng hăng hái đưa giống lúa chất lượng cao vào trồng ở nhiều xã. Các xã vùng phân lũ bao gồm Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lạc, Đức Long,… nằm sát sông Hoàng Long hễ trồng lúa không đúng thời vụ nước lũ đổ về thì mất trắng. Thế nhưng, khi đưa giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng Nho Quan đã cho năng suất cao không kém giống lúa cao sản!. 'Lúc đầu nông dân còn chần chừ không dám làm, sau hai, ba vụ thấy hiệu quả cao thì dù có ngăn họ vẫn làm' – Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Mai Văn Luận nói. Bây giờ thì Nho Quan chẳng thua kém vùng đồng bằng về năng suất lúa chất lượng cao, có nơi còn đạt mức 75 tạ/ha mỗi vụ. Anh cho biết thêm, 'Ưu điểm của lúa chất lượng cao được khai thác triệt để ở Nho Quan. Đó là thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 110-120 ngày), sức sống chịu sâu bệnh cao. Điều này giải quyết khó khăn cơ bản cho Nho Quan ở những vùng trũng là cấy lúa chiêm sớm và lúa mùa muộn để tránh lũ ở sông Hoàng Long. Nhờ đó hiện nay, lúa chất lượng cao đã chiếm khoảng 60% diện tích trồng lúa của huyện, nhiều xã còn chiếm 70-80%'.
Không chỉ các huyện vùng đồng bằng, miền núi ở tỉnh Ninh Bình trồng lúa chất lượng cao, huyện vùng biển Kim Sơn với canh cánh nỗi lo nước xâm nhập mặn cũng trồng lúa chất lượng cao đạt hiệu quả. 'Từ khi đưa giống lúa chất lượng cao về đồng ruộng Kim Sơn, phong tục tập quán canh tác và cơ cấu mùa vụ ở địa phương đã thay đổi hẳn' – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, Mai Văn Thanh khẳng định. Huyện định hướng cho nông dân là tăng trà lúa sớm, giảm trà muộn để sản xuất vụ đông và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính vì thế, trà lúa trung và trà lúa sớm chiếm 96% diện tích gieo trồng. Các giống lúa tạp giao giảm dần và tăng giống lúa chất lượng cao, đó là Phú ưu 1, Phú ưu 4, Phú ưu 978 và Bắc thơm số 7, LT2, Tám xoan, dự. 'Năm 2006, chúng tôi đưa giống LT2 cấy trong vùng sản xuất vụ đông với diện tích 500 ha bởi giống lúa ngắn ngày cho nên thu hoạch sớm vẫn bảo đảm cho cây vụ đông' – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Kim Sơn Trần Văn Công nói. Vụ đầu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cho nên khi thu hoạch năng suất hơn 200 kg thóc/sào mỗi vụ khiến ai cũng phấn khởi. Ngay sau vụ, diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm độc tôn trên đồng ruộng với hơn ba nghìn ha rồi gần bốn nghìn ha và vụ đông xuân 2010-2011, dự kiến huyện sẽ nâng diện tích lúa chất lượng cao lên gần năm nghìn ha. Các xã Chính Tâm, Xuân Thiện, Thượng Kiệm, Tân Thành, Lai Thành, Yên Lộc trước đây chỉ đạt 45-50 tạ/ha, nay đều đạt năng suất bình quân gần 60 tạ/ha mỗi vụ.
Sản xuất lúa chất lượng cao đòi hỏi những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Đến vụ gieo trồng, sau khi cấp phát thóc giống cho nông dân, cán bộ kỹ thuật phải yêu cầu nông dân gieo hết số thóc quy định, rồi đến thời kỳ bón thúc cho lúa, cán bộ kỹ thuật cũng đứng đầu bờ kiểm soát nông dân có bón hết phân hay không hoặc không được bón thêm phân khác so với quy định' – Cán bộ khuyến nông bám cơ sở như nông dân, hằng ngày cùng nông dân ra đồng hướng dẫn khi thì làm cỏ, lúc bón phân. Cần khẳng định hướng đi của ngành nông nghiệp Ninh Bình chọn giống lúa chất lượng cao có năng suất như một số giống lúa thương phẩm khác mà còn có giá trị tăng gấp 1,5 lần các giống lúa thuần, giúp nông dân tăng thu nhập trên diện tích canh tác vốn đã bị thu hẹp do phát triển công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nông dân trong tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()