Sản xuất, kinh doanh xăng dầu đình trệ vì Covid
Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho đang ngày càng tăng cao không chỉ gây áp lực lớn về hạ tầng dự trữ mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt khi 23 tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh phía nam, một số tỉnh miền trung và Tây Nguyên (nơi chiếm hơn 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn quốc) đã khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, ngoài việc “ép” công suất hoạt động về mức 80%, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR) đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động.
Tồn kho tăng cao
Thông tin từ BSR cho biết, sau một thời gian ngắn hạ công suất của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất về 90%, đến nay đơn vị tiếp tục “ép” công suất xuống 80%. Đây là sự kiện hy hữu và là lần đầu tiên trong lịch sử nhà máy phải đối diện tình trạng thị trường tiêu thụ gần như bị “đóng băng”, trong khi những tháng trước dịch bệnh, nhà máy luôn vận hành, hoạt động với công suất lên tới 105%. Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện hàng tồn kho xăng dầu của NMLD Dung Quất tăng lên hơn 410.000 m3, trong đó, tồn kho tại nhà máy hơn 230.000 m3, gửi ngoài hơn 180.000 m3. Trong khi đầu tháng 8 vừa qua, lượng tồn kho xăng dầu thành phẩm ở mức 200.000 m3 và hơn 400.000 m3 dầu thô. Việc vượt chỉ số “hàng tồn kho” lên gấp đôi so với tháng trước cùng mức tiêu thụ chỉ đạt 300.000 m3 (giảm 50% so với trước) khiến doanh nghiệp hoạt động hết sức khó khăn. Đại diện BSR khẳng định, nếu các tỉnh, thành phố phía nam tiếp tục giãn cách kéo dài, NMLD Dung Quất chắc chắn phải dừng hoạt động, lúc đó doanh nghiệp sẽ phải đối diện với tổn thất hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng cùng hàng loạt các thứ phát sinh liên quan.
Cũng theo lãnh đạo của BSR, không chỉ hết chỗ chứa hàng thành phẩm mà dầu thô là nguyên liệu đầu vào chính của nhà máy cũng không còn chỗ chứa. Để giải quyết tình thế, mặc dù chi phí vận tải tăng cao khi mua hàng nhưng nhà máy bắt buộc phải bán đi một triệu thùng dầu thô do hết kho chứa. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục bán thêm một triệu thùng nữa, dù đã triển khai các giải pháp cấp bách như làm việc với khách hàng để nhận các lô hàng đã ký kết, bán spot, thuê tàu để gửi và xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời, tập trung và chuyển hướng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu. Hiện tại, phân xưởng Polypropylene đang vận hành ở công suất 115%. BSR đã đưa ra thị trường các sản phẩm hạt nhựa PP mới như T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085 và I3150 được khách hàng đánh giá rất tốt. Các sản phẩm hạt nhựa PP truyền thống như T3034 và I3110 đã được khách hàng đánh giá cao, ổn định hơn so với các sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,… Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp cấp bách, về lâu dài rất mong Nhà nước sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh cũng như nới dần giãn cách nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Tương tự, NMLD Nghi Sơn cũng trong tình trạng tồn kho tăng cao, ngoài việc gửi kho xăng dầu, Công ty liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phải xuất khẩu lượng lớn sản phẩm xăng dầu để tránh phải dừng nhà máy.
Sớm khống chế dịch bệnh
Không chỉ các NMLD chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 mà tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng đang bị giảm sản lượng tiêu thụ khiến hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 73 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) Nguyễn Trung Đắc cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm khoảng 55%, với sản lượng xuất bán đạt khoảng 240 m3/tháng, trong tháng này dự kiến giảm đến hơn 70% do không có người mua, thậm chí có ngày cửa hàng chỉ bán được 3-4 m3.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đời sống của cán bộ, nhân viên cửa hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bên cạnh các khoản hỗ trợ thì thu nhập chính của người lao động phụ thuộc vào khoán doanh thu. Chung tâm trạng, Trưởng cửa hàng xăng dầu PVOil, số 194 Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) Đỗ Quyết Thái khẳng định, do thành phố áp dụng lệnh giãn cách nên nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, cửa hàng luôn trong tình trạng vắng khách. Tổng sản lượng xuất bán của cửa hàng trong tháng qua chỉ đạt hơn 200 m3, giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế, lúc đó thành phố sẽ nới dần cấp độ giãn cách góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, toàn bộ 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (trực thuộc Xí nghiệp Bán lẻ xăng dầu Hà Nội) đang gặp rất nhiều khó khăn, khi hằng ngày hệ thống vẫn duy trì đủ lượng cán bộ, công nhân viên phục vụ bán hàng theo quy định nhưng thực tế luôn vắng bóng khách mua. Việc Hà Nội áp dụng giãn cách khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người dân giảm mạnh, tương ứng với mức giảm hơn 70% sản lượng tiêu thụ so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, đồng thời chính quyền cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả và loại bỏ các rào cản không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định kinh doanh, phát triển.
Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của đơn vị trong tháng 8 giảm hơn 40% so với kế hoạch. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều tỉnh, thành phố, sản lượng bán lẻ của PVOil giảm đến 80% tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; giảm 60% tại Hà Nội; tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Xuân Hùng cho biết, trong nửa đầu tháng 8, tổng sản lượng bán hàng của doanh nghiệp giảm 50% so với cùng kỳ tháng 6. Trong đó, sản lượng xuất bán xăng Ron 95 III sụt giảm mạnh nhất, khoảng 70% so với nửa đầu tháng 6. Trong thời gian tới, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của đơn vị được dự báo tiếp tục giảm mạnh khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp bình ổn thị trường, đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ trong nước, đồng thời, sớm khống chế, dập tắt dịch bệnh cũng như nới dần giãn cách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh ổn định, phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()