Sản xuất khoai tây giống sạch bệnh: Đem lợi ích đến với nhà nông
LSO - Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKHCN) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ phục vụ sản xuất khoai tây trên địa bàn. Và từ đây, người nông dân Lạng Sơn, nhất là nông dân vùng sản xuất khoai tây trọng điểm có cơ hội được hưởng lợi từ những tiến bộ KHCN.Lạng Sơn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho phát triển cây khoai tây; người nông dân có tập quán và kinh nghiệm trồng khoai tây lâu đời, thêm vào đó, khoai tây thương phẩm có giá cao và đầu ra ổn định do chênh lệch mùa vụ với các tỉnh trồng khoai tây ở đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cho thấy năng suất, chất lượng khoai tây còn thấp chủ yếu là do giống. Ở Lạng Sơn, giống khoai tây Trung Quốc được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên nguồn gốc không rõ ràng, đa số không qua thủ tục nhập khẩu nên mang nhiều mầm...
LSO – Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKHCN) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ phục vụ sản xuất khoai tây trên địa bàn. Và từ đây, người nông dân Lạng Sơn, nhất là nông dân vùng sản xuất khoai tây trọng điểm có cơ hội được hưởng lợi từ những tiến bộ KHCN.
Lạng Sơn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho phát triển cây khoai tây; người nông dân có tập quán và kinh nghiệm trồng khoai tây lâu đời, thêm vào đó, khoai tây thương phẩm có giá cao và đầu ra ổn định do chênh lệch mùa vụ với các tỉnh trồng khoai tây ở đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cho thấy năng suất, chất lượng khoai tây còn thấp chủ yếu là do giống. Ở Lạng Sơn, giống khoai tây Trung Quốc được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên nguồn gốc không rõ ràng, đa số không qua thủ tục nhập khẩu nên mang nhiều mầm bệnh, năng suất, chất lượng thấp. Trong khi đó, một số giống khoai tây nhập nội từ Đức và Hà Lan cho năng suất cao: 25-30 tấn/ha song giá giống lại cao và người dân không chủ động được giống.
Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm UDTBKHCN thực hiện nhiệm vụ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao phục vụ sản xuất trên địa bàn. Và công nghệ được ứng dụng để sản xuất khoai tây giống ở đây chính là “nuôi cấy mô tế bào“: Trước tiên là xác định nguyên liệu sạch bệnh mới đưa vào cấy, sau đó đưa vào ống nghiệm để tạo củ, từ đây hình thành củ giống gốc siêu sạch (củ siêu nguyên chủng). Để tiếp tục nhân giống, củ siêu nguyên chủng được đưa vào trồng trong nhà lưới và tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật để tạo giống nguyên chủng. Giống nguyên chủng được trồng ngoài đồng nhưng phải cách ly để cây không nhiễm bệnh, từ củ giống nguyên chủng sẽ tiến hành sản xuất củ giống trồng khoai tây thương phẩm. Qua quá trình thực hiện, Trung tâm UDTBKHCN đã làm chủ được công nghệ sản xuất khoai tây giống theo quy trình khép kín từ khâu nhân giống trong phòng thí nghiệm đến trồng các cấp giống ngoài đồng ruộng theo tiêu chuẩn sản xuất giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lâu nay, cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước, người nông dân Lạng Sơn vẫn có thói quen lấy những củ khoai tây tốt của vụ trước làm giống cho vụ sau. Với cách làm này, khoai tây rất dễ bị lây nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh dẫn tới thoái hóa giống, giảm năng suất, chất lượng sau mỗi vụ trồng. Còn muốn tăng năng suất, bà con phải nhập giống mới với giá khá cao, không chủ động nguồn giống nên lịch thời vụ cũng ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc cho “ra đời” giống khoai tây sạch bệnh theo công nghệ nuôi cấy mô không chỉ giúp thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân mà còn đem lại cho họ cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Kết quả sản xuất khoai tây giống, khoai tây thương phẩm ở các huyện trọng điểm trồng khoai tây của tỉnh như Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định đã được khẳng định qua năng suất, chất lượng sản phẩm: năng suất cao hơn 20-30% so với giống bán trên thị trường. Và giống khoai tây nuôi cấy mô của Trung tâm từng bước được người dân tin tưởng sử dụng. Trong năm 2010, Trung tâm UDTBKHCN cung cấp khoảng 30 tấn giống nguyên chủng cho các huyện trọng điểm trồng khoai tây trong tỉnh. Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ, Trung tâm tiếp tục triển khai sản xuất giống khoai tây vụ đông xuân 2010-2011 với quy mô 10 sào siêu nguyên chủng, 3ha nguyên chủng và 19ha giống cấp xác nhận. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi (rét đậm, rét hại) song năng suất khoai tây xác nhận vẫn đạt 15 tấn/ha.
Hiện nay, hàng năm, diện tích trồng khoai tây ở Lạng Sơn luôn dao động trong khoảng 2.000-2.500 ha và trong những năm tới có thể mở rộng lên đến 3.500ha. Để tiếp tục mở rộng sản xuất khoai tây giống trên địa bàn, những giải pháp được đưa ra là: quy hoạch vùng sản xuất khoai tây giống đáp ứng quy mô sản xuất khoai tây thương phẩm; cần có đơn vị phối hợp với Trung tâm UDTBKHCN để sản xuất khoai tây giống cấp xác nhận; kiện toàn tổ chức hệ thống sản xuất giống khoai tây, đảm bảo sản xuất đủ số lượng giống đáp ứng nhu cầu sản xuất khoai tây trong tỉnh. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho sản xuất giống khoai tây, hỗ trợ giá giống cho nhân dân.
Bảo Vy
Ý kiến ()