Sản xuất khoai tây: Cần củng cố liên kết doanh nghiệp - nông dân
LSO-Vụ khoai tây đông đã cận kề nhưng thời điểm này vẫn vắng bóng các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất. Không có doanh nghiệp, nhà nông sẽ gặp khó trong chuyển đổi cơ cấu giống cũng như tiêu thụ sản phẩm.
LSO-Vụ khoai tây đông đã cận kề nhưng thời điểm này vẫn vắng bóng các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất. Không có doanh nghiệp, nhà nông sẽ gặp khó trong chuyển đổi cơ cấu giống cũng như tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, nếu vẫn canh tác giống cũ, hàng vạn tấn khoai tây thương phẩm rất có thể sẽ không tiêu thụ được.
Sơ chế và phân loại giống khoai tây tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật Sở Khoa học và Công nghệ |
Vài năm trở lại đây, năm nào Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ cũng liên kết với các doanh nghiệp triển khai chương trình trồng khoai tây giống mới tại một số địa phương. Thế nhưng đến thời điểm này, vụ sản xuất đã cận kề mà vẫn chưa có doanh nghiệp nào liên hệ với Trung tâm. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: mỗi năm, trung bình Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp triển khai cung ứng giống, liên kết sản xuất với nhân dân được khoảng 200ha, thế nhưng năm nay chưa có doanh nghiệp nào liên hệ, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất là những vụ liên kết trước, một số doanh nghiệp đã bị lỗ.
Ông Tường dẫn chứng lại các trường hợp các doanh nghiệp đầu tư trồng khoai tây ở Tràng Định, Lộc Bình, nếu bị sâu bệnh hay thời tiết thất thu thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng có vụ được mùa, doanh nghiệp vẫn lỗ như thường, bởi đến kỳ thu hoạch, có nơi xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Tư thương không đầu tư, không mất vốn, sẵn sàng mua khoai tây của nhân dân cao hơn vài giá. Nhà nông thấy lợi quên mất doanh nghiệp đầu tư, có vụ nhà đầu tư không thu lại được cả giống đã bỏ ra.
Câu chuyện thật như đùa này xảy ra trên địa bàn huyện Lộc Bình vào vụ đông năm trước. Thời điểm ấy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phối hợp và giới thiệu Công ty TNHH Tấn Phát (Hà Nội) đầu tư khoai tây giống mới vào một số địa phương trên địa bàn Lộc Bình theo phương thức, 1kg khoai tây giống đổi lấy 3kg khoai thương phẩm, số còn lại doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ cho nông dân. Hợp đồng liên kết là thế, nhưng khi đến kỳ thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã không theo cam kết, bán toàn bộ sản phẩm ra ngoài, thậm chí không trả lại giống cho nhà đầu tư. Ông Tường ngao ngán: Trung tâm là người đứng ra liên kết, vì vậy khoảng 60 triệu đồng tiền giống chưa thu hồi được, Trung tâm vẫn phải nợ doanh nghiệp.
Do chưa có doanh nghiệp nào liên hệ, năm nay với lượng giống khoảng 70 tấn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chỉ có thể triển khai tối đa 70 ha khoai tây giống mới. Cũng vẫn là hình thức đổi giống lấy sản phẩm theo tỷ lệ nhất định, nhưng không phải doanh nghiệp, nên Trung tâm không thể cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch cho nhà nông. Cũng trong tình trạng vắng doanh nghiệp liên kết, sản xuất khoai tây đông ở Tràng Định năm nay có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: năm nay huyện xây dựng kế hoạch trồng khoảng 400ha khoai tây nhưng thực chất tới thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào liên hệ cung ứng giống, liên kết sản xuất, thời gian gần đây do hệ thống giao thông đang nâng cấp, nên số giống dự kiến triển khai cùng với Trung tâm ứng dụng không thực hiện được, do vậy diện tích giống mới chỉ còn trông chờ vào mô hình của phòng. Tuy nhiên mô hình do Phòng NN&PTNT huyện lại rất hạn chế, chỉ cỡ độ 2ha.
Mỗi năm, tổng diện tích trồng khoai tây trên địa bàn tỉnh trung bình ở mức 2.000ha. Đây có thể coi là cánh đồng mẫu lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Thế nhưng trong những năm qua, do nhu cầu của công nghiệp chế biến, đòi hỏi khoai tây phải chuyển đổi cơ cấu sang giống mới, sạch bệnh. Trong điều kiện giá giống hiện nay còn cao và các đơn vị trên địa bàn cũng chưa chủ động được giống, cũng như khâu tiêu thụ, thì việc các doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết sản xuất là điều kiện tiên quyết để mang lại hiệu quả cho sản xuất. Nhìn một cách tổng thể, mối liên kết nông dân, doanh nghiệp lỏng lẻo không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà nông, bởi trong một vài vụ khoai tây vừa qua, trong liên kết 4 nhà, thì vai trò của nhà nước còn khá mờ nhạt, cụ thể là vai trò của chính quyền địa phương trong quy hoạch sản xuất và quản lý, định hướng giữ cho các mối liên kết ấy bền vững.
Vai trò của nhà nước đã được tổng kết trong kinh nghiệm hình thành vùng sản xuất thuốc lá của Bắc Sơn. Thực chất vùng thuốc lá Bắc Sơn những năm trước kia chưa thật sự bền vững, bởi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán. Trước thực trạng đó, vai trò quản lý của nhà nước được đặt lên hàng đầu. Căn cứ vào năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, huyện lựa chọn và ký kết nguyên tắc đầu tư và thu mua sản phẩm trong thời hạn 2-5 năm. Đồng thời phân vùng đầu tư cho doanh nghiệp tại các địa phương. Trong vùng đầu tư được giao, các doanh nghiệp ký kết cụ thể phương thức hợp tác sản xuất với từng hộ gia đình, trong đó bao gồm cả cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học và tiêu thụ sản phẩm. Mọi quá trình đều có sự giám sát, quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó tạo nên vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, hiệu quả. Kinh nghiệm ấy, nếu được vùng khoai tây áp dụng, thì hơn 2.000 ha khoai tây mỗi năm cũng mang lại hàng chục tỷ đồng cho nhà nông.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()