LSO-Để hình thành mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, việc liên kết giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, những hộ sản xuất còn phải chủ động liên kết với nhau. Câu chuyện ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là một ví dụ điển hình. Dây chuyền chế biến lâm sản tại xã Minh Sơn, huyện Hữu LũngKhởi đầu chỉ với vài triệu đồng, nhưng với sự năng động sáng tạo của mình, sau vài năm, gia đình anh Hướng Quốc Bảo, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đã tạo dựng cho mình một trang trại chăn nuôi với quy mô tương đối lớn. Có diện tích rộng hơn 3ha, trang trại duy trì hơn 70 lợn rừng nái và hơn trăm lợn rừng thịt, hàng năm trang trại cung cấp khoảng 700 con lợn rừng cho các nhà hàng và trại chăn nuôi trong khu vực 6 tỉnh lân cận. Ngoài lợn rừng, trang trại còn mở rộng chăn nuôi gà H’Mông, hươu sao, chim trĩ…Với loại hình chăn nuôi tổng hợp này, hàng năm doanh thu...
LSO-Để hình thành mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, việc liên kết giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, những hộ sản xuất còn phải chủ động liên kết với nhau. Câu chuyện ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là một ví dụ điển hình.
Dây chuyền chế biến lâm sản tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng
Khởi đầu chỉ với vài triệu đồng, nhưng với sự năng động sáng tạo của mình, sau vài năm, gia đình anh Hướng Quốc Bảo, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đã tạo dựng cho mình một trang trại chăn nuôi với quy mô tương đối lớn. Có diện tích rộng hơn 3ha, trang trại duy trì hơn 70 lợn rừng nái và hơn trăm lợn rừng thịt, hàng năm trang trại cung cấp khoảng 700 con lợn rừng cho các nhà hàng và trại chăn nuôi trong khu vực 6 tỉnh lân cận. Ngoài lợn rừng, trang trại còn mở rộng chăn nuôi gà H’Mông, hươu sao, chim trĩ…Với loại hình chăn nuôi tổng hợp này, hàng năm doanh thu của trang trại lên tới vài tỉ đồng. Anh Hướng Quốc Bảo tâm sự: thời điểm này trang trại có rất nhiều đầu mối tiêu thụ, có nhiều đơn đặt hàng khá lớn, nhưng năng lực sản xuất không thể đáp ứng nổi nhu cầu, vừa qua gia đình đã phải từ chối rất nhiều đơn đặt hàng. Ý định mở rộng quy mô sản xuất thì đã có từ lâu, nhưng với điều kiện nhân lực chỉ có vậy, quỹ đất cũng không thể nở thêm ra và điều quan trọng là nguốn vốn cũng còn hạn chế nên mặc dù tiềm năng thị trường rất rộng lớn nhưng cũng chưa thể tận dụng được.
Cũng ở thôn Bến Lường, xã Minh Sơn, tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân lực sẵn có ở địa phương, cách đây vài năm, gia đình anh Nguyễn Minh Giang đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến lâm sản khá quy mô với hệ thống dây chuyền máy nghiền dăm, 3 máy xẻ gỗ và vườn ươm với khả năng cung ứng 4 triệu cây giống/năm. Nếu hoạt động tối đa công suất, xưởng chế biến có thể tạo điều kiện cho hàng chục lao động với thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng. Nhưng trong thời gian gần đây do nguồn nguyên liệu đầu vào thất thường và thị trường tiêu thụ khó khăn, nên xưởng chế biến này chỉ phát huy được một phần ba công suất, hiệu quả vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Trong số khá nhiều các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, thì trong thời gian gần đây trên địa bàn xã Minh Sơn nổi lên mô hình trồng măng bát độ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường của măng bát độ Minh Sơn đã vươn tới các khách hàng thường xuyên như các nhà hàng, hiệu quả kinh tế được khẳng định. Tuy nhiên trên thực tế hạn chế lớn nhất vẫn là không tạo được nguồn hàng thường xuyên với số lượng lớn, vì vậy mô hình vẫn chỉ dừng lại trong phạm vi hẹp. Nếu tính trong phạm vi địa phương, thì những mô hình kể trên rất điển hình cho mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhưng từ thực tiễn có thể nhận thấy một điều là muốn phát triển quy mô, mở rộng sản xuất thì cần phải có sự liên kết giữa các hộ gia đình tạo thành một vùng cung cấp sản phẩm hàng hóa. Nhận rõ điều này, ngay từ những tháng đầu năm 2012, mối liên kết đó đã bắt đầu được vận động hình thành và tháng 10/2012 Hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh tổng hợp nông, lâm sản Bến Lường đã chính thức được thành lập gồm 14 xã viên. Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Minh Giang chia sẻ: với việc thành lập Hợp tác xã liên kết những xã viên có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản hàng hóa, chúng tôi kỳ vọng sẽ ổn định được nguồn nguyên liệu, nhân lực, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản tổng hợp. Thực tế, từ khi thành lập đến nay, việc liên kết sản xuất đã thể hiện khá rõ nét. Chăn nuôi lợn rừng bắt đầu có sức lan tỏa mạnh từ sự giúp đỡ về giống, kỹ thuật của trang trại gia đình anh Hướng Quốc Bảo. Xưởng chế biến lâm sản cũng được bổ sung nguyên liệu đầu vào kịp thời và bắt đầu có thêm đơn đặt hàng cho vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Cung cấp cho các nhà hàng giờ đây không chỉ còn sản phẩm măng bát độ mà đã bắt đầu xuất hiện rau an toàn và các sản phẩm nông sản khác, phạm vi sản xuất rộng hơn, quy mô lớn hơn và nguồn hàng ổn định hơn…Với sự liên kết này, xã Minh Sơn đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn với sản phẩm đa dạng và thị trường ổn định.
Trang trại nuôi lợn nái tại thôn Bến Lường, xã Minh Sơn huyện Hữu Lũng
Ngoài Hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh tổng hợp nông, lâm sản Bến Lường, năm 2012, trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn xuất hiện Hợp tác xã nông nghiệp Yên Thịnh với hướng đi chính là liên kết sản xuất nông sản xuất khẩu, hiệu quả kinh tế được khẳng định với những cánh đồng đạt giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/vụ. Điều này khẳng định sự hiệu quả của mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, vừa tạo liên kết với doanh nghiệp, đồng thời chủ động liên kết giữa các hộ sản xuất.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()