Sản xuất game “nội”: Gánh nặng trên vai doanh nghiệp Việt
Từ vô danh trên bản đồ thế giới, đến khi cái tên Nguyễn Hà Đông bùng nổ với hiện tượng Flappy Bird, ngành sản xuất game của Việt Nam đã bắt đầu được biết đến, mới mẻ nhưng đầy triển vọng. Dù đã được phất ngọn cờ tiên phong từ những năm 2009, song đến nay, con đường sản xuất game của các doanh nghiệp Việt vẫn lắm những chông gai mà tự bản thân họ chưa thể nào xóa sổ nổi.
Câu hỏi lớn về nhân sự
Theo ông Lê Hồng Minh – CEO của VNG, thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất của việc làm game không phải là nghĩ ra nội dung game hay nhất, đồ họa bắt mắt nhất… mà chính là xây dựng đội ngũ. “Trường hợp thành công với một cá nhân như Nguyễn Hà Đông là đặc biệt. Còn lại hầu hết, khi làm game thì cần một đội ngũ, mỗi người một việc phối hợp với nhau, như trong điện ảnh vậy”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – CEO của Vinova – cũng cùng trăn trở. Theo ông, để tìm ra được một game designer thực sự tại Việt Nam hiện đang quá khó. Với nhiều công ty, làm game có nét tương đồng với ngành sản xuất ĐTDĐ, một nhà thiết kế đỉnh sẽ đóng góp phần trăm thành công cho sản phẩm là rất lớn.
Thực tế, để làm ra một sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường quốc tế cần con người rất là giỏi. Tại một môi trường mới mẻ về sản xuất game như Việt Nam, người giỏi sẵn không có, bắt buộc các doanh nghiệp phải tự mình đào tạo. Từ thời gian bắt đầu đến lúc có thể làm việc được với chất lượng nước ngoài mất bốn năm cho một người và phải 15 người như vậy mới hình thành nên một team (đội). Duy trì một team trong một năm tốn khoảng hơn 10 tỷ để chi trả cho các khoản: lương, máy móc, điều kiện làm việc, sản xuất, học tập các khóa học nước ngoài,… Như vậy, để đào tạo được một đội ngũ đủ tiêu chuẩn sản xuất game ra thị trường nước ngoài, doanh nghiệp sẽ cần bỏ ra 40 tỷ trong vòng bốn năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, cho biết: “Việc kiếm được những người làm thiết kế game ở Việt Nam hiện nay là vô cùng khó và xây dựng được một đội ngũ, cũng như duy trì nó là một bài toán không hề đơn giản”.
Không chỉ đối mặt với khó khăn nơi đầu vào, các doanh nghiệp trong nước còn phải ra sức cạnh tranh, giữ người giỏi bởi “hở ra là các công ty nước ngoài săn mất” – ông Nguyễn Nhật Tuyên (Giám đốc khối sản phẩm Công ty VNG) chia sẻ. Ông nói thêm: “Các công ty nước ngoài trả lương cao gấp đôi, gấp ba lần mình. Bạn nào giỏi giỏi ở đây nó vô nó hunt (săn). Chi phí để mình giữ người rất lớn. Trong khi họ mở công ty ở đây xong họ thuê người và không phải đóng thuế gì hết. Tất cả những gì tạo được ở đây họ chuyển về nước ngoài để tạo nên sản phẩm, xong lại đưa về Việt Nam kinh doanh kiếm tiền. Điểm duy nhất mình có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài là mình khuyến khích sáng tạo, mình khuyến khích người Việt Nam tạo ra một sản phẩm game Việt Nam và mình dùng sản phẩm đó đưa ra nước ngoài”.
Ngành trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang đóng vai trò không hề nhỏ khi nó có tiềm năng mang về khoảng 6.000 tỷ đồng doanh thu trực tiếp và khoảng 20 nghìn tỷ đồng doanh thu gián tiếp (từ các quán internet, doanh số bán PC và các phụ kiện khác…). Độ phủ của ngành là 20 triệu khách hàng. Nganh giải trí nay cũng thu hút khoảng 7.000 lao động trực tiếp và khoảng 100 nghìn lao động gián tiếp. Trong năm 2014 này, tổng giá trị doanh thu mà ngành game mobile Việt Nam thu về cho các nhà phát triển cũng như nhà phát hành trong nước có thể đạt 210 triệu USD, tương đương 4.200 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có đến hơn 50% doanh số trong lĩnh vực ngành nghề này đang bị chảy ra nước ngoài, vào túi của các nhà sản xuất game như của Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thị trường nội địa: Màu mỡ nhưng lại “khó nhai”
Thị trường nội địa cần thiết như thế nào với các doanh nghiệp sản xuất game? Với những yêu cầu chất lượng thấp hơn, dễ tính hơn, thị trường nội địa là môi trường dễ thở hơn so với một thị trường quốc tế có hàng ngàn tựa game. Thông qua thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ kiếm được doanh thu đủ nuôi, đủ tồn tại. Sau khi có thể tồn tại, thị trường nội địa trở thành một “vườn ươm”, để doanh nghiệp trau dồi những gì mình có như: tài chính, kinh nghiệm, công cụ,… để vươn ra thị trường quốc tế.
Cần thiết là thế, song thực tế, vẫn còn rất nhiều những rào cản mà các doanh nghiệp chưa thể vượt qua tại ngay chính “sân nhà”.
Năm 2009 và 2010, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tập trung sản xuất, xin phép và được phát hành trò chơi thuần Việt, tiên phong là Thuận Thiên Kiếm (nội dung về lịch sử của Đất nước, do Công ty cổ phần VNG). Năm 2011, một số game giáo dục giải trí như Chinh phục vũ môn (Công ty Egame), 7554 (Công ty Emobi Studio) ra đời. Đến nay, các sản phẩm thuần Việt nói trên đã ngừng cung cấp dịch vụ, vì không có… người chơi. Nguyên nhân chính vẫn là thói quen sử dụng sản phẩm nước ngoài, các game thuần Việt không có doanh thu, lợi nhuận, người lao động phục vụ cho sản phẩm buộc phải chuyển sang công việc khác hoặc thôi việc.
Quay trở lại câu chuyện của nhân sự sản xuất game: sau bốn năm để đào tạo một nhân sự giỏi, doanh nghiệp sẽ mất thêm tám tháng để một đội ngũ ấy có thể hoàn tất một tựa game. Game ra đời, một đồng doanh thu vẫn chưa cầm được trên tay, doanh nghiệp đã phải đối mặt với rất nhiều những chi phí: hệ thống thanh toán, chi phí quảng cáo, chi phí cho các platform như Googla hoặc Apple, chi phí phát hành, tiền thuê serve,… Sau khi đã trừ rất nhiều, doanh nghiệp sẽ chỉ được nhận lại 15% số tiền mà khách hàng nạp vào game (chi phí trước thuế). Khi chi phí doanh nghiệp phải thanh toán tăng lên (bao gồm thuế), tất nhiên, giá thành của vật phẩm game sẽ tăng và người chơi lúc này sẽ ít đi.
Vòng đời của một sản phẩm game chỉ gói gọn từ 6 -8 tháng, khi thiếu sự ủng hộ của người chơi vòng đời lại càng ngắn thêm. Sản phẩm chết, ngành công nghiệp sản xuất game trì trệ khiến ngành Internet nói chung không thể khởi sắc.
Ông Đạt Nguyễn, Giám đốc kinh doanh game di động của Google, cho biết: “Lợi thế của Việt Nam chính là thị trường di động đang tăng trưởng chóng mặt trong thời gian gần đây, chỉ xếp thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng các thiết bị di động, đạt 269% với 17 triệu thiết bị. Cùng với đó, các kho ứng dụng App Store của Apple, Google play của Google, Ovi Store của Nokia, hay App World của Blackberry… xuất hiện đã tạo cơ hội cho các bạn trẻ làm game. Tuy nhiên, muốn ngành công nghiệp game bền vững, vai trò sản xuất và phát hành game nội địa vẫn chiếm vị trí quan trọng. Đáng tiếc, các chính sách quản lý vẫn chưa tạo cơ hội cho game online bứt phá”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, cho rằng: “Số đơn vị dũng cảm tự bỏ tiền ra sản xuất game thuần Việt hiện nay không hiếm. Nhưng hầu hết đang phải tồn tại bằng những dự án ngắn hạn hoặc gia công game cho các hãng nước ngoài. Nguyên nhân đầu tiên vẫn xuất phát từ kinh nghiệm. Rõ ràng, các nhà làm game Việt chưa thể sánh với những tên tuổi lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc cả về kỹ năng lẫn kinh nghiệm. Những doanh nghiệp lớn như VTC, VNG là không nhiều trong khi các đơn vị phát triển game ở Việt Nam hiện nay đều nằm ở quy mô vừa và nhỏ. Rất ít studio có đủ lực và sự mạo hiểm để đầu tư hàng chục tỷ đồng vào làm game. Không khó hiểu khi hơn 90% trò chơi trực tuyến đang được phát hành tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc”.
Theo đại diện các doanh nghiệp làm game, ở nước ngoài, các doanh nghiệp tự chủ động sản xuất và phát hành game, chính phủ chỉ lo khâu hậu kiểm và cấp phép một lần cho DN làm game. Vòng đời một game mobile chỉ từ ba đến sáu tháng, sau một năm biến mất. Thế nên, với thời gian cấp phép từ một đến hai tháng như hiện nay, game Việt chưa kịp ra, game ngoại đã chiếm lĩnh thị trường.
Theo một khảo sát, hầu hết các “người khổng lồ” của làng công nghệ thế giới đều chọn cho mình những địa điểm được mệnh danh là thiên đường thuế để đặt trụ sở. Google chọn Bermuda và mỗi năm cắt giảm thuế suất tổng thể gần như một nửa. Apple thiết lập một số công ty con tại Ailen còn Microsoft thì chọn Singapore, Puerto Rico, Ireland để làm trung tâm sản xuất và phân phối sản phẩm – dịch vụ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()