Sản xuất đông xuân: Tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả sản xuất
LSO-Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, việc chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.
LSO-Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, việc chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính, chỉ cần áp dụng triệt để biện pháp kỹ thuật mới đã được kiểm chứng, nông dân Lạng Sơn có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí sản xuất trong vụ đông xuân.
Tham quan mô hình lúa mùa sớm ở huyện Đình Lập |
Gieo thẳng bằng giàn kéo tay là biện pháp kỹ thuật đã được Trung tâm khuyến nông triển khai từ vụ xuân năm 2010 và hiệu quả của biện pháp này đã được kiểm chứng. Khi áp dụng phương pháp này vào sản xuất, người nông dân tiết kiệm được ít nhất là 3.325.000 đồng/ha chi phí giống và công lao động. Vụ xuân năm trước, toàn tỉnh có trên 1.000ha lúa xuân gieo thẳng bằng giàn kéo, chi phí tiếp kiệm được trên 3 tỷ đồng. Trong vụ đông xuân, Lạng Sơn có hơn 10.000ha đất canh tác lúa chủ động nước, nếu tất cả diện tích này đều áp dụng gieo thẳng thì nhà nông sẽ tiết kiệm được gần 40 tỷ đồng. Không chỉ tiết kiệm về chi phí sản xuất, công lao động, mà gieo thẳng còn cho năng suất còn vượt trội so với phương pháp cấy truyền thống, trong khi đó thời gian sinh trưởng lại có thể rút ngắn được 7-10 ngày, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong thời gian qua, việc sử dụng thành công phân viên nén dúi sâu, nhả chậm lại mở ra thêm giải pháp tiết kiệm chi phí cho nhà nông. Thực tế, theo hạch toán, nếu áp dụng kết hợp giữa gieo thẳng và dùng phân viên nén thì không những giảm chi phí mà hiệu quả kinh tế còn tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/ha. Nghĩa là nếu 10.000ha ruộng chủ động nước sử dụng 2 phương pháp này thì nhà nông toàn tỉnh lợi khoảng 70 tỷ đồng. Ngay cả đối với những chân ruộng không chủ động nước, khó áp dụng biện pháp gieo thẳng bằng giàn kéo thì vẫn có thể áp dụng biện pháp bón phân viên nén. Ông Lương Văn Đặng, thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: gia đình đã áp dụng biện pháp gieo thẳng bằng giàn kéo cách đây 3 năm, tuy nhiên do ruộng không chủ động được nước, nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đang loay hoay tìm các giải pháp canh tác mới, thì trong vụ xuân 2012-2013 vừa qua, gia đình ông Phổ tiếp cận với chương trình thử nghiệm phân viên nén dúi sâu, nhả chậm do Trung tâm khuyến nông triển khai. Áp dụng biện pháp này, tuy chi phí đầu tư phân bón so với phương pháp thông thường là tương đương, nhưng nhà nông lại tiết kiệm được công lao động và nâng cao năng suất. Ông Đặng bộc bạch: áp dụng phương pháp canh tác này, không những năng suất tăng lên gấp rưỡi so với bình quân mà nông dân còn học hỏi được thêm rất nhiều về sản xuất lúa theo tác phong công nghiệp, từ việc căng dây, chia ô, điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh đến các khâu chăm sóc khác. Từ mô hình của ông Đặng, vụ mùa vừa qua, thêm hàng chục hộ gia đình thôn Khòn Phổ áp dụng biện pháp này đều thu được kết quả rất tốt.
Không chỉ riêng trên địa bàn thành phố mà trong vụ mùa vừa qua, điều kiện không thuận để áp dụng phương pháp gieo thẳng, nhiều địa phương đã triển khai mô hình sử dụng phân viên nén. Bà Hoàng Thị Biện, Trạm trưởng Trạm khuyến nông Bình Gia cho biết: vụ mùa vừa qua, Trạm triển khai mô hình lúa mùa sớm sử dụng phân viên nén dúi sâu trên diện tích 3ha tại xã Tô Hiệu với sự tham gia của 30 hộ gia đình. Kết quả năng suất của mô hình đạt từ 63 tạ đến trên 71 tạ/ha, cao hơn rất nhiều so với năng suất bình quân vụ mùa của huyện. Theo hạch toán chi phí, hiệu quả kinh tế tăng thêm trên 230 nghìn đồng/sào, tương đương với hơn 6,2 triệu đồng/ha.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông khẳng định: một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị xác định trong thời gian tới là tăng cường các biện pháp, giải pháp canh tác giúp nhà nông tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Thực chất cả phương pháp gieo thẳng bằng giàn sạ và sử dụng phân viên nén dúi sâu đều đã được các cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng mô hình cách đây 3 năm, hiệu quả đã được kiểm chứng, vấn đề là đưa vào áp dụng đại trà, trên diện rộng hơn nữa. Với diện tích lúa xuân hàng năm của toàn tỉnh ở mức trên dưới 16.000ha, nếu áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật mới thì chi phí tiết giảm đầu vào và hiệu quả tăng thêm cho nhà nông sẽ lên tới hơn trăm tỷ đồng.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()