Sản xuất công nghiệp, thương mại tiếp tục đạt kết quả khả quan
Chiều 3/3, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù là tháng Tết Nguyên đán nhưng tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của cả nước vẫn rất khả quan.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tiếp tục ổn định |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do tháng 2/2014 có 28 ngày và số ngày nghỉ Tết trong tháng là 5 ngày nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) chỉ tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là chế biến sữa và sản phẩm từ sữa; thức ăn gia súc, gia cầm; sản phẩm từ nhựa; sản xuất xi măng…
Riêng đối với ngành phân bón, trong tháng 2, sản lượng phân urê ước đạt 208.100 tấn, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Phân NPK ước đạt 148.000 tấn, giảm 7,2% so với tháng trước và giảm 1,2% so với tháng 2/2013. Đáng chú ý, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với lượng lớn phân bón giá rẻ và chất lượng chưa được kiểm soát.
Liên quan tới vấn đề thị trường, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 2, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định. Trong và sau Tết Nguyên đán, thị trường trong nước không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá do công tác bình ổn thị trường được bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường còn hạn chế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 2 đạt 243.300 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước. Do vậy, tính gộp cả 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt 474.090 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ thời điểm này Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên tổ chức rà soát, cân đối đủ nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ngay từ tháng đầu năm 2014, trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu, phương án huy động các nguồn vốn hợp lý, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án và đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()