Sản xuất công nghiệp: Những gam màu sáng
(LSO) – Gần 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng khoảng 10,16% so với cùng kỳ. Trong đó, những sản phẩm chủ lực vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Tín hiệu tăng trưởng
Nói đến sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn không thể không nhắc đến than. Mặc dù không thể so sánh được với tỉnh Quảng Ninh nhưng sản phẩm than của Công ty Than Na Dương luôn chiếm giá trị lớn trong sản xuất công nghiệp. Số liệu trong gần 9 tháng qua cho thấy, sản lượng than sạch của công ty sản xuất được là hơn 400 nghìn tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Một sản phẩm công nghiệp khác là xi măng Đồng Bành. Cũng giống như sản phẩm than, giá trị sản xuất của xi măng cũng chiếm tỷ trọng lớn. Trong gần 9 tháng đầu năm 2018, sản lượng xi măng của Nhà máy Xi măng Đồng Bành sản xuất được gần 30 nghìn tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ.
Kỹ sư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương vận hành thiết bị sản xuất tại phòng điều khiển trung tâm
Ngoài 2 đơn vị sản xuất công nghiệp lớn nêu trên, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp đăng ký sản xuất công nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 4.500 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất cũng phong phú như: khai thác than; khai thác vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến nông lâm sản, lương thực, thực phẩm; lắp rắp sản phẩm cơ khí, hàng tiêu dùng…
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn sản xuất ổn định, các sản phẩm chủ yếu như: than sạch, xi măng, bột đá mài, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể như: bột đá mài tăng 13,2%; đá tăng 16,2%; các sản phẩm từ gỗ tăng 9,2%… Có được kết quả này là do trong thời gian vừa qua, các ngành, các cấp đã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất công nghiệp lớn đã được đầu tư, nâng cấp và đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn một số dự án tại khu công nghiệp thị trấn Hữu Lũng đang được triển khai, các cơ sở sản xuất gạch tuynel, đá xây dựng đang đầu tư mở rộng sản xuất.
Sản xuất gạch tại Công ty Cổ phần Sản xuất gạch Phú Lộc
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngành công nghiệp thời gian qua có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động và phát triển. Qua đó, đã giúp cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp an tâm và tiếp tục đầu tư vào địa bàn. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động hiệu quả đã góp phần vào việc tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tiếp tục nâng hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả cũng như giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhiều giải pháp cụ thể tiếp tục được các đơn vị, các ngành chức năng triển khai thực hiện. Điển hình như bài toán thị trường.
Trở lại trường hợp Nhà máy Xi măng Đồng Bành, trao đổi về vấn đề thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Phúc Chuẩn, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Sản phẩm xi măng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, bởi ngoài tiêu thụ trong nước, hiện đơn vị đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Brazil, Malaysia và một số nước Châu Phi, do vậy, sản lượng xi măng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong gần 9 tháng qua, nhà máy sản xuất được 595 nghìn bao xi măng, riêng thị trường trong nước đã tiêu thụ 2/3 sản lượng này, còn lại là xuất khẩu.
Hoạt động khai thác của Công ty Than Na Dương
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thị trường tiêu thụ như Nhà máy Xi măng Đồng Bành. Từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất một số sản phẩm như: kim loại, xe đạp điện, xe máy, đá mài, sơ chế da, vật liệu xây dựng, bóng chuyền… vẫn đang gặp khó do “bí” ở khâu tiêu thụ sản phẩm.
Điều này được minh chứng qua số liệu của Cục Thống kê đưa ra, đó là, trong gần 9 tháng qua, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn và ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ như: sơ chế da (giảm hơn 18%), sản xuất xe máy, xe đạp điện (giảm gần 34%), sản xuất kim loại (giảm gần 10%), sản xuất hạt đá mài (giảm 6%)…
Nêu một số sản phẩm công nghiệp điển hình để thấy mặc dù đã có những dấu hiệu tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng chưa cao, đồng thời tốc độ phát triển về sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn vẫn còn khá chậm và chưa bền vững. Thực tế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng thời gian qua chủ yếu dựa vào một số sản phẩm chính là xi măng, điện, than sạch, còn lại, các sản phẩm công nghiệp khai thác đều chững lại. Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần tiếp tục khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để giảm tồn kho sản phẩm. Đồng thời, để cạnh tranh được trên thị trường, ngoài vốn, công nghệ sản xuất… các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc tìm và mở rộng thị trường không chỉ ở việc tăng cường xuất khẩu, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, các doanh nghiệp còn cần tìm biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, phát huy thế mạnh về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ tỉnh đến các ngành chức năng tiếp tục có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa những chính sách hỗ trợ gần hơn với doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, trong có có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vươn lên phát triển.
TRÍ DŨNG – ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()