Sản xuất công nghiệp: Cần thêm nhiều nỗ lực cho chặng về đích
LSO-Sau 9 tháng gian khó, sản xuất công nghiệp đã có được mức tăng trưởng so với năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp được 2.034 triệu đồng, đạt 61,54% kế hoạch, bằng 112,75% so với cùng kỳ.
LSO-Sau 9 tháng gian khó, sản xuất công nghiệp đã có được mức tăng trưởng so với năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp được 2.034 triệu đồng, đạt 61,54% kế hoạch, bằng 112,75% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thách thức để hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2013 là không hề nhỏ khi sản phẩm tồn kho vẫn cao và việc xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt.
Sản xuất vật liệu xây dựng gặp trở ngại vì đầu ra tiêu thụ chậm |
Theo báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã có dấu hiệu phục hồi, sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: công nghiệp khai thác: 321 tỷ đồng, đạt 64,85 % kế hoạch, bằng 110,69% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến: 1.029 tỷ đồng, đạt 62,48% so với kế hoạch, bằng 113,45% so với cùng kỳ. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước, xử lý chất thải: 684 tỷ đồng đạt 58,81 % kế hoạch, bằng 112,69% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ chủ yếu do: đã có một số sản phẩm tăng khá như: Xi măng, điện thương phẩm, hạt đá mài… Đặc biệt Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành đã đi vào hoạt động ổn định từ 8/4/2013, đến cuối tháng 4/2013 đã đạt 100% công suất thiết kế đốt lò Cli
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho biết, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng thời gian qua chủ yếu dựa vào sự phục hồi của 2 sản phẩm chính là xi măng Đồng Bành và chì thỏi của Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ. Còn lại, các sản phẩm công nghiệp khai thác đều chững lại do lượng hàng tồn kho còn nhiều, trong khi đó thị trường tiêu thụ lại bị thu hẹp. Ngoài ra, khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là nhu cầu vốn tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố sản xuất tăng, nhưng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Vì vậy, các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất bị chậm tiến độ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra. Tác động của những khó khăn khách quan khiến cho sản xuất công nghiệp năm nay khó đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có thể thấy còn một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua mà ngành công nghiệp tỉnh chưa khắc phục hiệu quả. Đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu, khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chậm…
Chính vì vậy, trong 3 tháng cuối năm 2013, ngành công thương tỉnh cũng như chính các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần phải nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể “về đích” một cách an toàn. Theo lãnh đạo Sở Công thương, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần tiếp tục tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để giảm tồn kho sản phẩm. Trong điều kiện thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đề xuất với Bộ Công thương cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu số tinh quặng sắt tồn đã qua chế biến hàm lượng Fe ≥ 54% với tổng khối lượng là 312.000 tấn; trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận cho phép xuất khẩu bauxit tồn kho. Bộ Công Thương đã có văn bản đồng ý cho xuất khẩu 153.000 tấn quặng sắt có hàm lượng Fe ≥ 54% (đến nay chưa có công ty nào xuất khẩu được quặng vì giá bán quặng thấp).
Tuy vậy, bên cạnh việc vận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước, để tháo gỡ vướng mắc trong thời điểm thị trường xuất khẩu thu hẹp, bản thân các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn của chính mình khi triệt để sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, bởi đầu ra của doanh nghiệp này lại là đầu vào của doanh nghiệp khác.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()