Sản xuất có kiểm soát các phụ phẩm gỗ xuất khẩu
Năm 2022, xuất khẩu viên nén gỗ của nước ta đạt hơn 4,88 triệu tấn, tăng gần 40% so với năm 2021 với giá trị xuất khẩu khoảng 790 triệu USD. Giá trị xuất khẩu dăm gỗ cũng tăng cao với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 2,79 tỷ USD, tăng hơn 60% so với 2021. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2023 xuất khẩu viên nén và dăm gỗ sẽ giảm mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau… buộc các doanh nghiệp gỗ chủ động hơn trong việc sản xuất và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng này.
Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hào Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). |
Giá viên nén gỗ xuất khẩu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, tăng liên tục kể từ tháng 1 và có dấu hiệu chững lại trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Tháng 12/2022 đột nhiên giá bật tăng trở lại và đạt mức kỷ lục hơn 189 USD/tấn. Viên nén gỗ của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2022 lượng viên nén xuất khẩu sang hai thị trường này chiếm tới 96,7% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự như vậy với mặt hàng dăm gỗ. Lượng và giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh trong năm 2022 với tổng lượng dăm xuất khẩu đạt 15,81 triệu tấn, tăng 16,21% so với 2021. Lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh kể từ tháng 3 và đạt đỉnh vào tháng 8, sau đó có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì hơn 1,1 triệu tấn/tháng về lượng và khoảng 220 triệu USD/tháng về kim ngạch.
Các chuyên gia đã phân tích, có một số yếu tố tác động đến tình hình xuất khẩu và sản xuất các phụ phẩm từ gỗ trong năm 2022. Đó là, hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ). Trong năm 2022 lượng cung ứng mặt hàng này vào thị trường EU từ Mỹ và Canada có xu hướng mở rộng mạnh trở lại sau một thời gian khan hiếm nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine và do cước vận chuyển hàng hải tăng cao.
Nửa đầu 2022 các doanh nghiệp sản xuất khu vực Bắc Mỹ phải chuyển hướng luồng cung của mình từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sang cung cấp cho EU nhằm nắm bắt được lợi thế về giá cao từ EU. Nguồn cung từ Bắc Mỹ giảm mạnh bắt buộc các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải tìm nguồn nhập khẩu thay thế. Điều này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu tại đây. Bên cạnh đó, bất ổn do chiến tranh, cước vận chuyển cao tạo ra tâm lý dự trữ hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đến nay, lượng hàng tồn tại hai thị trường này ở mức khá cao. Trung Quốc cũng là một trong những nước xuất khẩu mặt hàng gỗ đứng đầu thế giới và là thị trường nhập khẩu nguyên liệu gỗ lớn của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có mặt hàng dăm gỗ. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào trước đòi hỏi ngày một cao của thị trường nhập khẩu các sản phẩm gỗ buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tăng cả lượng và giá dăm gỗ. Năm 2022, riêng lượng dăm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với năm 2021. Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản cũng là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn. Tính chung, hai thị trường này đã chiếm hơn 90% thị phần nhập khẩu dăm gỗ trong năm 2022 của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên viên của tổ chức Forest Trend (tổ chức quốc tế về tăng cường quản lý rừng bền vững) cho rằng, khi lượng cung ứng các phụ phẩm của ngành gỗ vào các thị trường thiếu hụt, các nhà nhập khẩu dưới sức ép về nguồn cung đã phải chấp nhận sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này tạo cơ hội cho nhiều nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam, với các sản phẩm hạn chế về chất lượng, được tham gia thị trường. Tuy nhiên, đến nay, cơ hội này cho các nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam không còn nữa. Một số doanh nghiệp Nhật Bản hiện đã yêu cầu các nhà cung cấp từ Việt Nam phải chuẩn hóa về chất lượng, bao gồm cả sản phẩm có chứng chỉ rừng bền vững. Thực tế đã có một số
tàu hàng từ Việt Nam xuất vào Nhật Bản bị trả lại vì không đáp ứng được với các yêu cầu này. Thời gian tới, yêu cầu tại thị trường xuất khẩu sẽ chặt chẽ hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 tại EU đã hình thành kỳ vọng lớn cho ngành viên nén Việt Nam trong việc tiếp cận và mở rộng với thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết năm 2022 kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường này mới chỉ đạt dưới 15,2 triệu USD, tương đương 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Con số nhỏ bé này cho thấy viên nén từ Việt Nam chưa thể chen chân vào thị trường này và những kỳ vọng của ngành về thị trường này không thể trở thành hiện thực, ít nhất trong ngắn hạn.
Lý do viên nén Việt Nam chưa thể chen chân vào EU là bởi các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe mà thị trường này đặt ra, bao gồm cả các yêu cầu về sản phẩm có chứng nhận bền vững mà rất ít doanh nghiệp từ Việt Nam có thể đáp ứng. Các tiêu chuẩn này là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện giá xuất khẩu viên nén đang giảm, giá nguyên liệu đầu vào sau một thời gian “sốt giá” cũng đã giảm, trong khi lãi suất ngân hàng đang ở mức cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2023 có thể là một năm thanh lọc đối với doanh nghiệp ngành gỗ. Viên nén và dăm gỗ sẽ không còn là những ngành kinh doanh hấp dẫn như năm 2022. Đây cũng chính là sự cảnh báo trong việc sản xuất đi đôi với kiểm soát chặt chẽ phụ phẩm gỗ xuất khẩu, tránh tình trạng tồn đọng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
https://nhandan.vn/san-xuat-co-kiem-soat-cac-phu-pham-go-xuat-khau-post739626.html
Ý kiến ()