Sản xuất cá bột: Bước đầu giải quyết giống thủy sản tại chỗ
LSO - Thời gian gần đây, việc giải quyết giống cây trồng, vật nuôi tại chỗ trở thành đề tài nóng trong các buổi nghị sự của tỉnh. Cụ thể hóa cho việc hình thành các trung tâm cung ứng giống tại chỗ, vừa qua tỉnh đã hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản cấp I tại Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc mua đàn cá bố mẹ để tự chủ sản xuất cá bột trên địa bàn.
LSO – Thời gian gần đây, việc giải quyết giống cây trồng, vật nuôi tại chỗ trở thành đề tài nóng trong các buổi nghị sự của tỉnh. Cụ thể hóa cho việc hình thành các trung tâm cung ứng giống tại chỗ, vừa qua tỉnh đã hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản cấp I tại Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc mua đàn cá bố mẹ để tự chủ sản xuất cá bột trên địa bàn.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm thủy sản lên kế hoạch sử dụng bể ấp trứng cá
Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, đầu năm 2011, Trung tâm giống thủy sản cấp I Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình này thực chất là nâng cấp trên nền cũ của trại cá giống cấp I Bản Ngà trước đây. Với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, cơ ngơi Trung tâm giống hoành tráng ngay ven quốc lộ 4B. Cái cơ ngơi đồ sộ ấy có hơn 4,5ha mặt nước, hệ thống 28 ao hồ và các phân khu chức năng như nhà sản xuất cá giống, nhà sản xuất thức ăn, văn phòng quản lý… năng lực sản xuất lên tới 100 triệu cá bột, tương đương 40 triệu cá giống/năm. Nói về điều kiện thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở Lạng Sơn rất lớn với hơn 8,5 nghìn ha mặt nước, trong đó 1,2 nghìn ha có thể đưa vào sử dụng, thêm vào đó là nguồn nhân lực dồi dào và nguồn thức ăn phong phú. Thực tế, tiềm năng này đã được tận dụng rất tốt từ những năm 70 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, trong các tỉnh miền núi phía Bắc, thủy sản Xứ Lạng đứng tốp đầu. Thế nhưng từ những năm 80-90, thủy sản Lạng Sơn đi vào thoái trào, những trại giống cấp I, cấp II dần biến mất. Đến gần 20 năm, cùng với chiến lược phát triển thủy sản các tỉnh miền núi phía Bắc của Bộ NN&PTNT cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, thủy sản Lạng Sơn bắt đầu có sự hồi sinh. Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm thủy sản bồi hồi: nếu như năm 2005 việc thành lập Trung tâm thủy sản Lạng Sơn được coi là bước ngoặt trong công tác quản lý, khuyến ngư, thì việc Trung tâm giống cấp I Bản Ngà hoàn thành và đưa vào sử dụng là bước ngoặt về cơ sở hạ tầng. Trước đó là rất nhiều các cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành về trợ giá, trợ cược giống thủy sản đã góp phần quan trọng khôi phục diện tích nuôi trồng trên địa bàn tỉnh lên con số gần 1.000ha. Nhìn lại từ năm 2011, kể từ khi Trung tâm giống thủy sản đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm đơn vị này cung ứng được khoảng 5 triệu cá giống. Tức là chủ động được cho khoảng ¼ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Thế nhưng thực tế, để sản xuất được số cá giống ấy, Trung tâm hoàn toàn phải nhập cá bột từ Bắc Giang với số lượng khoảng 10 triệu con/năm, rồi từ đó mới ương thành cá hương, nuôi thành cá giống. Như vậy xét thực chất, cá giống nơi đây cũng vẫn chỉ là thứ cấp, mà rõ ràng nhập như vậy giá cá giống đương nhiên phải cao hơn là quy trình khép kín. Không chỉ chưa hoạt động hết năng lực mà các phân khu chức năng tiền tỷ phải đóng cửa im ỉm. Trong tháng 10/2013 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ Trung tâm mua đàn cá bố mẹ với số lượng 1.250kg. Trong đó có 750 kg cá chép; 100 kg cá trắm và còn lại là cá mè và cá trôi. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 400 triệu đồng. Ông Phạm Bá Biền, Quyền Giám đốc Trung tâm thủy sản tâm sự: đó là quyết định rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, đây được coi như dự án triển khai mô hình, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh về cá bố mẹ và một phần vật tư, Trung tâm giống thực hiện đối ứng trên 200 triệu đồng. Đến thời điểm này đàn cá phát triển tốt và dự kiến sẽ sinh sản lứa đầu tiên vào đầu năm 2014. Dạo quanh một vòng các phân khu chức năng, những bể ấp, nhà sản xuất thức ăn… đã sạch bụi và chỉ dăm ngày nữa sẽ đóng điện sáng choang. Sau hơn 2 năm chờ đợi, những khu chức năng tiền tỷ này sẽ hoạt động theo đúng nhiệm vụ chuyên môn của nó.
Với số lượng cá bố mẹ như vậy sẽ sản xuất được cá bột, đủ ương nuôi đạt 5 triệu cá giống/năm, đúng bằng số mà trước kia Trung tâm phải nhập từ tỉnh bạn. Về hiệu quả kinh tế, nhãn tiền là giá thành con giống sẽ giảm khoảng 20-30%. Ông Phạm Bá Biền cho biết: theo khảo sát, hiện nay vùng Bình Gia, Bắc Sơn thường nhập cá giống từ Thái Nguyên; cá giống Vĩnh Phúc thì làm chủ thị trường Lộc Bình; số còn lại nhập từ Bắc Giang và một số tỉnh miền xuôi khác. Như vậy không phải chỉ riêng thực hiện công đoạn sản xuất, mà muốn đi tới thành công, Trung tâm giống thủy sản buộc phải có kế hoạch quảng bá, thể hiện ưu thế cạnh tranh về giá và chất lượng khi đã tự chủ được nguồn giống… Thành công của Trung tâm rất quan trọng, bởi nó không chỉ là thúc đẩy thủy sản phát triển mà còn là điển hình để từ đó hình thành nên những mô hình tương tự cung ứng giống cây trồng, vật nuôi các loại, giải quyết bài toán giống tại chỗ cho sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()