San sẻ trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu
Lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Chia sẻ trách nhiệm tài chính trong cuộc chiến chung của nhân loại được xem là yếu tố cốt lõi giúp thế giới sớm hiện thực hóa các mục tiêu bảo vệ hành tinh xanh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Đan Mạch vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới gây quỹ hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, Đan Mạch cam kết dành hơn 13 triệu USD để giúp các quốc gia đang phát triển khắc phục thiệt hại do thời tiết cực đoan. Khoản hỗ trợ tài chính chủ yếu hướng đến một số khu vực, trong đó có Sahel, nơi người dân đang phải từng ngày chống chọi với những thảm họa thiên nhiên. Phát biểu bên lề Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Flemming Moller Mortensen (P.Mo-ten-xen) nhấn mạnh, thật không công bằng khi những nước nghèo trên thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất dù họ không phải là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu.
Quan điểm nêu trên của Đan Mạch cũng là quan điểm chung của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) kêu gọi các nền kinh tế phát triển đánh thuế những công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch và dùng một phần số tiền thu được để giúp các nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, tổng lợi nhuận các công ty năng lượng lớn nhất thu được trong quý đầu tiên của năm nay lên đến gần 100 tỷ USD và khoản thu khổng lồ này nên được san sẻ để những quốc gia dễ bị tổn thương vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong khi đó, Ai Cập, nước đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11 tới, cũng khẳng định quyết tâm hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là tại châu Phi, tiếp cận nguồn tài chính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đây không phải lần đầu vấn đề trách nhiệm tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được nhắc đến và nhận được sự ủng hộ của các nước. Tại Hội nghị COP15, các nước giàu đã cam kết viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon và thích ứng biến đổi khí hậu. Mặc dù mục tiêu này đã bị bỏ lỡ khi chưa được hoàn thành như dự kiến, song việc kêu gọi các nước gây ô nhiễm chủ yếu trên thế giới thực hiện cam kết cung cấp tài chính luôn là nội dung chính trên bàn nghị sự tại các hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc từng khẳng định, trách nhiệm của các nước đang phát triển là không thể phủ nhận. Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường châu Phi diễn ra mới đây, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad (Y.Phâu-át) nhấn mạnh, châu Phi chỉ thải ra 4% trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng lại đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo đó, 20% dân số Lục địa Đen hiện thuộc nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể sẽ đẩy thêm 78 triệu người dân châu Phi vào tình trạng đói triền miên vào năm 2050, trong đó có hơn một nửa là ở vùng cận Sahara.
Trong khi đó, theo báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Giám sát hoạt động di tản nội địa (IDMC) công bố mới đây, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng di tản do thiên tai.
Những cơn bão và lũ lụt quy mô lớn, hạn hán, động đất, sóng thần và núi lửa phun trào liên tục là nguyên nhân khiến hàng triệu người dân trong khu vực phải di tản mỗi năm. ADB cảnh báo, tình trạng di tản do thiên tai đang làm xói mòn thành quả phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và đe dọa sự thịnh vượng lâu dài của khu vực.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang đối mặt nhiều thách thức đan xen như cuộc khủng hoảng lương thực, lạm phát, dịch bệnh, xung đột… như hiện nay, các cuộc đàm phán về chia sẻ tài chính ứng phó biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo, thế giới không còn thời gian để chần chừ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ý kiến ()