Sẵn sàng triển khai tài khoản định danh điện tử VNeID từ ngày 1-7
Bắt đầu từ ngày 1-7, tài khoản định danh điện tử (VNeID) là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử. Với vai trò là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang tập trung các nguồn lực, phát huy lợi thế của ngành để sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng thống nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, hiện BHXH Việt Nam đang triển khai 25 thủ tục hành chính với 87 dịch vụ công điện tử được cung cấp trên môi trường mạng. Năm 2023, BHXH Việt Nam nhận được 94,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm 86% tổng số hồ sơ. Trong quý I-2024, cơ quan này tiếp nhận và xử lý 29,4 triệu hồ sơ của công dân, chiếm 87,2% tổng số hồ sơ cả trực tuyến và trực tiếp. Sử dụng tài khoản VNeID mang đến 3 lợi ích trực tiếp đối với ngành BHXH, đó là tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí trong việc cấp và sử dụng tài khoản giao dịch. Cùng với đó, việc triển khai tích hợp sử dụng tài khoản VNeID giúp 53 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể giao dịch được ngay với cơ quan BHXH khi có nhu cầu và tiếp tục mở rộng trong tương lai. VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là khi hiện nay người dân mở rất nhiều tài khoản và thường quên tài khoản, mật khẩu. Khi sử dụng tài khoản VNeID trong giao dịch sẽ tăng được số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, BHXH Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc xác định tính chính danh của người đang sử dụng tài khoản để thực hiện hoạt động giao dịch điện tử. Đây cũng là khó khăn chung của các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện giao dịch điện tử. Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp với BHXH Việt Nam trong việc đồng bộ xác thực thông tin định danh cá nhân của 2,7% người tham gia còn lại đang chưa xác thực được giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể việc quản lý, duy trì, chuyển tiếp về mặt kỹ thuật đối với 35 triệu tài khoản định danh đã tồn tại của BHXH Việt Nam để bảo đảm thực thi đúng Nghị định 59 từ ngày 1-7-2024, tránh những khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình làm việc với cơ quan BHXH.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện việc kết nối với Bộ Công an để chia sẻ, xác thực thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để kết nối và triển khai các hoạt động thuộc Đề án 06 của Chính phủ nói chung và định danh, xác thực nói riêng. BHXH Việt Nam đã đồng bộ xác thực thông tin định danh cá nhân của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến tháng 6-2024, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu bảo hiểm do cơ quan này quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,3% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân Quân đội). Đây là tiền đề quan trọng để triển khai đồng bộ thông tin tài khoản giao dịch điện tử (BHXH số) do cơ quan BHXH cấp (VssID) với tài khoản VNeID do Bộ Công an cấp.
Để triển khai dịch vụ công trên môi trường điện tử, từ tháng 9-2020, BHXH Việt Nam đã triển khai cấp tài khoản định danh (tài khoản VssID) cho các cá nhân để đăng nhập vào ứng dụng VssID và thực hiện các dịch vụ công. Theo thống kê trên hệ thống của BHXH Việt Nam, đến nay đã có hơn 12,2 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID. Với việc triển khai này của BHXH Việt Nam đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Đồng thời, thể hiện BHXH Việt Nam sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng thống nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7.
Cùng với việc triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai tích hợp thông tin thẻ BHYT, sổ BHXH lên ứng dụng VNeID phục vụ nhu cầu tra cứu, theo dõi thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT, sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Thống kê đến đầu tháng 5-2024 cho thấy đã có 110 triệu lượt truy vấn tích hợp thông tin thẻ BHYT và 16 triệu lượt truy vấn tích hợp thông tin sổ BHXH lên ứng dụng VNeID.
Đẩy nhanh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Vũ Thị Hoài Gương, Phó giám đốc BHXH tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngành BHXH tỉnh Lai Châu đã tích cực đưa ra các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành tốt chỉ tiêu đặt ra với mục tiêu đưa việc sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân. Nhờ phối hợp triển khai đồng bộ những giải pháp từ các cấp chính quyền trong tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và BHXH tỉnh Lai Châu, nhìn chung, tỷ lệ số người, số tiền chi lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tăng dần theo các năm. Đây cũng là những kết quả tích cực tạo động lực góp phần giúp BHXH tỉnh Lai Châu và các ngành liên quan sớm thực hiện triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Vũ Thị Hoài Gương cho biết thêm, trong thực tế việc triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn như hệ thống internet tại một số nơi chưa được bao phủ toàn diện; người tham gia BHYT tại vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh. Trình độ dân trí tại một số nơi chưa theo kịp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nên khó khăn trong hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình, TP Hà Nội), đồng chí Phạm Thị Nết, Phó chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Xác định việc chi trả không dùng tiền mặt là quyền an sinh của người dân, với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số, phường Phúc Xá đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đợt tuyên truyền cao điểm vận động người dân đăng ký hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản ngân hàng (ATM), kết hợp rà soát, xác minh, đồng bộ dữ liệu thông tin người hưởng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cán bộ phường đã đến từng nhà người dân giải thích, hướng dẫn và mở ATM tại nhà cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân trong phường.
Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), xác định các đối tượng cần được tuyên truyền chủ yếu là những người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh và trong di chuyển, đi lại, có tâm lý ngại thay đổi thói quen nhận lương hưu bằng tiền mặt đã nhiều năm..., BHXH quận quán triệt đến từng cán bộ về tinh thần, thái độ phục vụ, bảo đảm thực hiện kế hoạch đề ra theo phương châm “đơn giản, thuận tiện, dễ tiếp cận, dễ sử dụng” để người dân đồng thuận chuyển hình thức nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân.
Ý kiến ()