Sẵn sàng thích ứng, bảo đảm dòng điện thông suốt
Năm 2021, hệ thống điện quốc gia trải qua một năm vận hành đầy biến động, nhu cầu điện tại nhiều khu vực giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống… Vượt qua những khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung cấp điện ổn định, giữ cho dòng điện thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn
Với đặc thù của ngành cung ứng điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh, năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành điện đã kích hoạt mức độ cao nhất các biện pháp bảo đảm công tác sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phòng, chống dịch bệnh. Toàn ngành điện đã triển khai đồng loạt các biện pháp cấp bách như: Trực tập trung tại nơi làm việc đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên làm việc tại trung tâm điều khiển xa, các lực lượng trực vận hành trạm, sửa chữa lưới điện; tăng cường ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động quản lý điều hành, vận hành và dịch vụ khách hàng. Năm 2021, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức với Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) là 20.670MW, tăng 3.420MW so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 27% trong hệ thống. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn. Cũng trong năm qua, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020; điện thương phẩm đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.
Công nhân ngành điện kiểm tra hoạt động cấp điện cho dịp Tết Nguyên đán 2022. |
Trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; triển khai thêm các phương thức thanh toán tiền điện mới qua mã QR, Mobile Money; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn tập đoàn đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020; 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh chăm sóc khách hàng trên nền tảng số. Dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư/vật liệu tăng cao…, EVN và các đơn vị thành viên đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Trong đó đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (220MW) và Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80MW); hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bác Ái. Cũng trong năm 2021, EVN đã khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (360MW) và Nhà máy Thủy điện Quảng Trạch I (1.200MW). Toàn EVN cũng khởi công 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện các cấp điện áp từ 110 đến 500kV.
Nỗ lực bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện
Năm 2022, EVN chọn chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới. Một số mục tiêu trọng tâm trong năm mới của tập đoàn như: Điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chủ động trong việc bảo đảm than, khí cho phát điện; điều hành thị trường điện đúng quy định; vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, bảo đảm hiệu quả phát điện… Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất của EVN là tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt. Theo đó, tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình nguồn và lưới điện…
Với yêu cầu bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu EVN lưu ý việc phụ tải có thể tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, chương trình phục hồi kinh tế được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới. Cùng với đó, trong điều kiện chi phí nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí) tăng cao, cần làm tốt công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện để tối ưu hóa chi phí mua điện, cũng như thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí; nghiên cứu xu hướng phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từng bước triển khai các loại hình năng lượng mới… Tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, việc cổ phần hóa phải cố gắng thay đổi về chất, về quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tăng cường năng lực quản lý, thu hút nguồn vốn cho đầu tư và phát triển; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phấn đấu đến hết năm 2022 cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số…
Ý kiến ()