Sẵn sàng đối phó siêu bão số 14
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện lũ
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện lũ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, tối 8-11, bão Haiyan đã vượt qua miền trung Phi-li-pin và đi vào Biển Ðông – cơn bão số 14.
Hồi 22 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ vĩ bắc; 119,4 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông Biển Ðông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 560 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35 km. Ðến 22 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,0 độ vĩ bắc; 111,9 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên – Huế – Bình Ðịnh khoảng 300 đến 350 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Ðến 22 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 105,9 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Nghệ An – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9 – 11, sau tăng lên cấp 12 – 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Từ ngày mai (10-11), do ảnh hưởng của mưa trong những ngày qua, trên các sông từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Tại Nam Bộ, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục xuống. Ðến ngày 12-11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 3,05 m; tại Châu Ðốc xuống mức 2,8 m; tại Mộc Hóa xuống mức 1,75m (dưới BÐ2: 0,05 m).
Ngày 8-11, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư có Công điện khẩn số 90/CÐ-TW gửi Ban chỉ huy PCLB TP Hà Nội đề nghị rà soát và triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu nội thành; có kế hoạch tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông ở những điểm ngập lụt để bảo đảm hoạt động bình thường của các hoạt động kinh tế – xã hội.
* Chiều 8-11, Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tổng cục, đơn vị chức năng để triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão số 14.
Bộ trưởng Trần Ðại Quang yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, nhanh chóng thực hiện mọi giải pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông; thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ.
Công an các đơn vị, địa phương cần chú trọng bảo đảm thông tin liên lạc giữa Trung ương và địa phương, giữa lực lượng Công an với Quân đội và thực hiện tốt công tác ứng trực, bảo đảm các phương tiện sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ. Ðồng thời có phương án, kế hoạch khắc phục sau bão, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ, hỗ trợ đời sống cho bà con nhân dân sau bão…
Ngày 7-11, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc và Phi-li-pin đề nghị hỗ trợ các tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão Haiyan trong trường hợp tàu thuyền và ngư dân Việt Nam không kịp về bờ. Ðồng thời chỉ đạo các Ðại sứ quán Việt Nam tại các nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam.
Chiều 8-11, Bộ Y tế có công điện đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, các đơn vị trực thuộc thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống siêu bão số 14. Theo đó, sở y tế các địa phương huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 14; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, thuốc, hóa chất phòng, chống lụt bão… và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh…
Ngày 8-11, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công điện đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau khẩn trương phối hợp chặt chẽ với ban phòng, chống lụt bão các địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với bão số 14. Ðồng thời, kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước. Ðối với các vùng có nhiều sông, suối có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro khi đến trường, ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian mưa, lũ, bão đang diễn ra.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) gửi công điện tới Sở TTTT các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau triển khai việc tổ chức chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy PCLB và trực ứng cứu thông tin, theo dõi sát tình hình diễn biến của bão số 14; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Ðảng, chính quyền địa phương các cấp trong phòng, chống bão số 14.
Theo báo cáo số 558/BC-CQTT của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) cho biết: Tính đến 11 giờ ngày 8-11, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu dừng việc huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá, sẵn sàng di dời và ứng cứu nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn; chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tiếp tế cho nhân dân. Ðối với các vùng thường xảy ra lũ ống, lũ quét trên địa bàn Tây Nguyên, triển khai di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chiều 8-11, tỉnh Thanh Hóa còn 6.827 phương tiện, 23.517 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông tin về hoạt động, hướng đi của siêu bão. Các lực lượng đã sẵn sàng giúp dân di chuyển đến nơi an toàn; dự phòng đủ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, đề phòng mưa lũ chia cắt, cô lập vùng xung yếu. Tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương trong tỉnh tổ chức sắp xếp neo đậu an toàn cho 1.810 phương tiện, chằng chống lại để tránh va đập; kiên quyết ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi; rà soát việc sơ tán, di dời dân ở những vùng thấp trũng, có nguy cơ sạt lở núi, ven sông. Tại thôn Vân Cù, xã Hương Toàn (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), nước lũ làm lật thuyền, cuốn trôi chị Trần Thị Diễm (SN 1982) và con là cháu Nguyễn Thị Ngân (SN 2002). Thi thể cháu Ngân đã được tìm thấy.
Tỉnh Quảng Nam đã liên lạc và yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, vào bờ trú ẩn hoặc chạy sâu xuống phía nam để tránh bão. Tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp triển khai các phương án phòng, chống bão lũ; tổ chức chèn chống nhà ở, công sở… đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tổ chức di dời dân ở những vùng có nguy cơ bị bão lũ đe dọa đến nơi trú ẩn. Tại tỉnh Quảng Ngãi các lực lượng bám sát địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra, phối hợp chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ. Theo đó, có 216 nghìn nhân khẩu cần di dời, sơ tán khi có bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Thành phố Ðà Nẵng quyết định trong trường hợp cần thiết sẽ hoàn thành sơ tán 19.388 hộ với hơn 73.384 người trước 19 giờ ngày hôm nay (9-11). Thành phố tổ chức neo đậu an toàn cho 1.830 tàu thuyền tại khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang; đưa hơn 140 tàu thuyền trên sông Hàn về nơi neo đậu an toàn. Tỉnh Khánh Hòa hiện còn 201 tàu với 1.731 thuyền viên đang hoạt động trên biển, đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão. Chính quyền địa phương sẵn sàng di dời 3.927 lao động làm việc trên 1.454 lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Chiều 8-11, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp, tập trung chống siêu bão số 14, chỉ thị cho lực lượng vũ trang phải trực chiến từ sáng 9-11, cử cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân vùng ven biển để đến 10 giờ ngày 10-11 toàn bộ dân phải vào tạm trú an toàn cách bờ biển ít nhất 500 m; các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng, Công ty thủy nông Ðồng Cam và các Ban quản lý công trình kiểm tra vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn và thông tin cảnh báo sớm tình hình xả lũ để có phương án sơ tán dân vùng hạ du.
Chiều 8-11, UBND tỉnh Bình Thuận họp khẩn với các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai các phương án phòng, chống bão số 14.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Bình Thuận, đến 18 giờ ngày 8-11, toàn tỉnh đã có 6.989 tàu cá với 34.939 lao động đã vào neo đậu tại các khu vực tránh, trú bão ở trong và ngoài tỉnh. Còn 938 tàu đang hoạt động trên biển hiện được các địa phương và lực lượng chức năng liên lạc kêu gọi vào bờ trong thời gian sớm nhất. Toàn bộ 118 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 1.456 lồng bè đã được gia cố, bảo đảm an toàn.
amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/galleries/21608002/4082179922.jpg” border=”0″ />
Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế giúp ngư dân neo đậu tàu, thuyền tránh bão số 14. Ảnh: HẠ QUỲNH
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()