Sẵn sàng để kích hoạt 5G
Kỹ sư Tổng công ty Viễn thông Mobifone kiểm tra, giám sát hệ thống mạng lưới.
Chuẩn bị của nhà mạng
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu 2G, 3G và 4G đã kết nối bảy tỷ người với nhau thì 5G sẽ kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người. Cũng vì thế, mạng 5G được ví như bước cơ bản quan trọng để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vì nó chính là hạ tầng kết nối vạn vật – hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Bất kỳ quốc gia nào muốn đi đầu trong CMCN 4.0 thì mạng 5G cũng phải đi trước. Tại Việt Nam, để tận dụng những cơ hội “vàng” từ việc tiên phong triển khai công nghệ mới này, đồng thời cũng là nỗ lực đưa ngành viễn thông trong nước bước cùng thế giới, Bộ TT và TT đã ban hành kế hoạch để bắt đầu cho 5G ngay từ năm 2019. Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT và TT) Nguyễn Đức Trung công bố: Kế hoạch triển khai 5G của Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn: thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019 – 2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020). Hiện nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên được cấp phép thử nghiệm 5G, hai nhà mạng còn lại là Vinaphone và Mobifone cũng sẽ nhận được giấy phép thời gian tới.
Để triển khai hiệu quả 5G, các nhà mạng cũng đã có những bước chuẩn bị rất bài bản. Cụ thể, cùng với việc bắt tay vào nghiên cứu công nghệ 5G, Viettel còn “mạnh tay” chi 40 triệu USD để phát triển chipset 5G riêng cho mình. Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho biết: Viettel vừa tham dự Mobile World Congress 2019 (MWC 2019 – Triển lãm di động toàn cầu năm 2019) và ở đó, đã thấy rất rõ sự phát triển của ngành di động thế giới. Hầu hết các gian hàng tại đây đều mang tới chủ đề về 5G cũng như những ứng dụng tương lai của công nghệ này. Rõ ràng, thế giới đã bước vào kỷ nguyên 5G và điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam nói chung hay Viettel nói riêng cũng phải bắt kịp tốc độ đó. 5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị thì phải sản xuất được chipset riêng của mình. Hiện nay, thế giới vẫn trong giai đoạn thử nghiệm 5G và chỉ triển khai chính thức vào năm sau. Do đó, nếu cố gắng hết sức để có thiết bị trong vòng một, hai năm tới, khi thế giới chuyển sang thương mại hóa dịch vụ 5G hoặc bùng nổ công nghệ này, Viettel cũng sẽ có thiết bị 5G của riêng mình để sử dụng. Thời gian một, hai năm là không dài và 5G cũng sở hữu các đặc trưng rất riêng biệt, đồng thời là công nghệ khá mới với Viettel. Tuy nhiên, thời gian đó cũng là đủ để Viettel tìm hiểu tất cả những gì là cần thiết, là yêu cầu, là tính năng kỹ thuật của 5G, từ đó bắt nhịp được với làn sóng công nghệ của thế giới. Viettel tin tưởng sẽ làm được, thông qua việc hợp tác với các công ty khác trên thế giới để sản xuất ra thiết bị phù hợp.
Mọi thứ đã sẵn sàng
Với mong muốn sẽ là nhà mạng tiên phong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ 5G, việc nghiên cứu, tiếp cận chuẩn bị cho 5G cũng được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bắt tay vào thực hiện ngay từ khi khái niệm 5G được đưa ra. Mới đây nhất, Tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Nokia để cùng thiết lập phòng nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên đã thống nhất sẽ cùng hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G cũng như các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đại diện VNPT còn cho biết, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông thời gian qua, VNPT cũng đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, tiến tới từng bước làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng IoT để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh. Theo nhận định của các tổ chức viễn thông quốc tế, 2019 sẽ là năm bắt đầu của công nghệ 5G và nó sẽ chín muồi vào khoảng năm 2021 – 2022. Tiến trình đã được vạch ra rất rõ và những gì vừa diễn ra tại MWC 2019 cũng đã minh chứng điều đó. Tại đây, hầu hết gian hàng của các tập đoàn, quốc gia hàng đầu về viễn thông thế giới đều được dành để phô diễn các thiết bị hạ tầng của công nghệ 5G. Thậm chí, một số tên tuổi lớn như Huawei, Xiaomi (các công ty công nghệ viễn thông của Trung Quốc) hay LG, Samsung (các công ty công nghệ viễn thông của Hàn Quốc)… còn giới thiệu nhiều sản phẩm thiết bị đầu cuối của 5G. Thực tế, để một công nghệ phổ cập được thì cần phải có những loại thiết bị đầu cuối, trong đó quan trọng nhất là điện thoại thông minh phải có giá dưới 100 USD. Trước những dấu hiệu của thị trường, các chuyên gia đều dự báo, những chiếc điện thoại thông minh sử dụng 5G đầu tiên sẽ được bán ra ngay trong năm 2019 này, sau đó dần được phổ cập vào năm 2020 và đến cuối năm 2021, thế giới sẽ có thiết bị đầu cuối giá dưới 100 USD. Lúc đó, sẽ là thời điểm 5G thật sự bùng nổ.
Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ là hai đô thị lớn được chọn làm nơi thí điểm 5G của cả ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone với tổng cộng 44 điểm thử nghiệm tại Hà Nội, 52 điểm thử nghiệm tại TP Hồ Chí Minh. Các điểm thử nghiệm sẽ chủ yếu tập trung ở các quận nội thành. Ngoài ra, nhà mạng Mobifone cũng đang lên dự kiến thử nghiệm 5G ở hai thành phố: Hải Phòng và Đà Nẵng. Theo Cục Viễn thông |
Ý kiến ()