Sẵn sàng để hoa hồi được bảo hộ tại châu Âu
Tinh dầu hồi Lạng Sơn được quảng bá, giới thiệu và bày bán phục vụ du khách tham quan |
Thị trường tiềm năng
Châu Âu có gần 30 nước thành viên. Dân số khu vực này chiếm gần 20% dân số thế giới. Tại châu Âu, sản phẩm hồi được ứng dụng phong phú trong y, dược, ẩm thực, hóa mỹ phẩm. Đặc biệt là có nhiều sản phẩm được chế biến từ hồi như: bánh, kẹo, rượu hương vị hồi, chất dẫn mùi hương cho nước hoa từ hồi… Các yếu tố này tạo nên một thị trường tiềm năng cho việc xuất khẩu hoa hồi của Lạng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn cho biết: Để vào được thị trường này thì sản phẩm hồi Lạng Sơn phải đáp ứng những quy định kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như phải vượt qua các rào cản về kỹ thuật trong thương mại. Hơn thế là phải đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) theo quy định của châu Âu.
Từ năm 2007, hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ CDĐL và trở thành tài sản quốc gia. Từ đó đến nay, hồi Lạng Sơn ngày càng khẳng định danh tiếng, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường tiêu thụ sản phầm hồi có nhiều khởi sắc, trung bình mỗi năm, cả tỉnh sản xuất được gần 11.000 tấn quả hồi tươi đem lại giá trị kinh tế khoảng 600 tỷ đồng. Lợi thế là như vậy nhưng sản phẩm hồi Lạng Sơn vẫn chủ yếu xuất khẩu đến Trung Quốc và một số nước Tây Âu chứ chưa được đăng ký bảo hộ CDĐL tại châu Âu.
Để sản phẩm này phát huy xứng đáng với vị trí, tiềm năng, danh tiếng và uy tín của mình, năm 2014, UBND tỉnh ủy quyền Sở KH&CN thực hiện đăng ký CDĐL hoa hồi ở châu Âu với mục tiêu, sản phẩm hồi Lạng Sơn nhanh chóng có mặt tại thị trường rộng lớn và tiềm năng này.
Các bước chuẩn bị tích cực
Để sản phẩm hồi của tỉnh được bảo hộ và được xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu mà không phải qua các khâu trung gian, gần 4 năm nay, Sở KH&CN nỗ lực thực hiện các điều kiện cần thiết nhất. Sở đã đề xuất với Bộ KH&CN đưa CDĐL hoa hồi Lạng Sơn vào kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại châu Âu thông qua Dự án Hỗ trợ chính sách đầu tư và thương mại của châu Âu (EU – MUTRAP). Song song với đó, sở từng bước điều chỉnh hệ thống quản lý và vận hành CDĐL hoa hồi Lạng Sơn cho phù hợp với cơ chế quản lý CDĐL của châu Âu. Nổi bật trong đó là tập trung đảm bảo chất lượng sản phẩm hồi. Để làm được việc đó, hằng năm, sở phối hợp thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi gắn CDĐL. Đơn vị trực thuộc sở tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu để kiểm tra, phân tích chất lượng hoa và tinh dầu hồi tại địa bàn được bảo hộ. Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh cho biết: Trung bình mỗi năm, đơn vị tổ chức 2 lần lấy mẫu tại 13 cơ sở để phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm hồi. Qua kiểm tra, kiểm soát, kết quả chất lượng hồi đều đảm bảo các tiêu chuẩn như đăng bạ.
Cùng với nhiệm vụ này, Sở KH&CN tích cực phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chế biến hồi theo quy trình khoa học đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Trung bình, mỗi năm, toàn tỉnh có trên 50 cuộc tuyên truyền, tập huấn canh tác hồi với sự tham gia của hàng nghìn người dân. Ông Hoàng Văn Bình, trưởng nhóm sản xuất hồi sạch thôn Khòn Nhừ, xã Bình Phúc (Văn Quan) kể: Nhóm sản xuất hồi sạch của thôn có 50 hộ tham gia thâm canh hồi sạch với diện tích gần 100 ha. Các hộ đều thấy rõ giá trị của hồi và biết được cách chọn cây giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản hồi sao cho năng suất, chất lượng và an toàn.
Ngoài những phần việc trên, hiện tại và thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục chủ động phối hợp với Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi, UBND 6 huyện trong vùng CDĐL tổ chức rà soát các phần việc trong kế hoạch kiểm soát CDĐL theo quy định của châu Âu. Hy vọng với sự cố gắng trên đây, trong tương lai không xa, sản phẩm hồi Lạng Sơn sẽ sớm có mặt tại thị trường châu Âu.
Ý kiến ()