Sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi dịch Covid-19 lan rộng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 25-4 ghi nhận 10 ca mắc mới Covid-19 (người bệnh thứ 2.834 đến 2.843), đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Ca bệnh thứ 2.834 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh; các ca bệnh thứ 2.835, 2.836, 2.837, 2.838, 2.839, 2.840 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa; các ca bệnh thứ 2.841, 2.842 và 2.843 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề cao cảnh giác, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam Bộ. Mặc dù kiểm soát biên giới đường bộ đã làm tốt, nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này. Sau khi khảo sát tại Kiên Giang, Bộ Y tế đã đồng ý thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bệnh khi kịch bản xấu xảy ra.
Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng… Tất cả kịch bản này đều được rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra. Bộ Y tế đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm Covid-19, càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh bấy nhiêu. Đồng thời huy động được sự tham gia của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều 25-4 cho biết, hiện có ba người bệnh (thứ 2.765, 2.781 và 2.815) đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có diễn biến tăng nặng nhanh. Điểm chung của những người này là trước khi mắc Covid-19, họ có thể trạng khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền kèm. Được biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất với các cơ sở điều trị cho người bệnh Covid-19, tất cả các ca bệnh có dấu hiệu khó thở, thở gắng sức đều phải coi là ca bệnh nặng để theo dõi và phòng ngừa kịp thời, hạn chế tình trạng bệnh nặng lên, gây khó khăn cho công tác điều trị. Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu khi có ca bệnh diễn biến phức tạp phải kết nối với Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, để Hội đồng chuyên môn có sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh diễn biến nặng và nguy cơ tử vong.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 Nano Covax cho biết, tất cả tình nguyện viên tham gia giai đoạn hai tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax đều an toàn, không có phản ứng nặng sau tiêm. Trong giai đoạn hai, ở mũi thứ nhất có 560 người tiêm thử nghiệm; đến mũi thứ hai do bốn người có lý do khách quan nên rút khỏi danh sách tiêm, số người tiêm giảm còn 556 người. Các tình nguyện viên được chia làm bốn nhóm, tiêm ba mức liều 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg và giả dược. Cả ba mức liều đều sinh miễn dịch, trong đó mức liều 25 mcg được đánh giá có hiệu quả cao nhất. Nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo kết quả của giai đoạn hai lên Bộ Y tế và dự kiến vào ngày 27-4 sẽ trình Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế Kế hoạch triển khai tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax giai đoạn ba.
UBND tỉnh An Giang cho biết, đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe…; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết…
★ Ngày 25-4, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho chín nhóm đối tượng ưu tiên. Gần 50 người ở hai điểm tiêm mẫu là Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, các điểm tiêm đều được bố trí theo quy tắc một chiều, bảo đảm đúng các quy định. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, tất cả các trường hợp được tiêm vắc-xin đều không xuất hiện phản ứng nặng sau tiêm và được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau khi trở về nhà. Đợt này, Nam Định tiếp nhận 9.600 liều vắc-xin, tỉnh sẽ tổ chức tiêm tại 270 điểm trên toàn địa bàn, phấn đấu hoàn thành việc tiêm vắc-xin trước ngày 13-5.
★ Ngày 25-4, Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết đã có công văn gửi Bộ trưởng Y tế đề xuất phối hợp hỗ trợ 300 nghìn khẩu trang tiêu chuẩn N95 cho cán bộ y tế Cam-pu-chia chống dịch theo cam kết của Chính phủ Việt Nam. Công văn căn cứ từ chương trình phúc lợi đoàn viên của Công đoàn Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Diligo Holdings đã ký cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành y tế. Theo đó, Công ty cổ phần Diligo Holdings có công văn mong muốn góp phần cùng Chính phủ và Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam giúp đỡ cán bộ y tế và nhân dân Cam-pu-chia chống dịch 300 nghìn chiếc khẩu trang được sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn châu Âu (tương đương với khẩu trang N95). Sự chung tay đồng hành của Công đoàn Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Diligo Holdings trong việc hỗ trợ khẩu trang chuyên dụng cho cán bộ y tế Cam-pu-chia đúng thời điểm này là nghĩa cử cao đẹp, hết sức có ý nghĩa, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế của hai nước.
Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gien của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc Covid-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp. Kết quả giải trình tự gien của các trường hợp nhập cảnh từ Cam-pu-chia vào Việt Nam mắc Covid-19 thực hiện tại Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh cho thấy: 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
Ý kiến ()