Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
70 năm sau ngày giải phóng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thủ đô Hà Nội đang tạo cho mình thế và lực mới để tự tin thực hiện thắng lợi các mục tiêu căn bản; sẵn sàng cùng Thủ đô và cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bức tranh tươi sáng
Trong tiết trời thu đặc trưng của Hà Nội, giữa không khí phấn chấn chào đón đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10), chúng tôi thăm lại thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Ấn tượng trong tôi về Đồng Rằng khá đặc biệt, vì thôn có tới 90% dân số là người dân tộc Mường. Năm 2008, nhân dân nơi đây trở thành “công dân Thủ đô” khi Quốc hội khóa XII quyết định mở rộng địa giới hành chính, chuyển 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Đông Xuân sáp nhập vào Hà Nội.
Gặp lại đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng với niềm hứng khởi trên gương mặt và lời nói. Anh vui vẻ: “Đồng Rằng đang thay đổi quá nhanh và mạnh mẽ. Sau hai năm, tỷ lệ hộ khá, giàu đã tăng thêm 10%, đạt trên 90%. Thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn một hộ cận nghèo do bị bệnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 dự kiến đạt 70 triệu đồng”.
Còn nhớ, khoảng 15 năm trước, trong ký ức của nhiều người dân thôn Đồng Rằng, bấy giờ cái nghèo, cái khó cứ đeo bám. Thôn có 10% hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Giao thông chỉ là đường đất, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa. Đa số đồng bào sản xuất tự cung, tự cấp. Ấy vậy mà, sau gần hai thập niên, cuộc sống của bà con trong thôn đã khác xưa hoàn toàn.
Tham gia lãnh đạo một địa phương có 10 dân tộc sinh sống, đồng chí Bùi Văn Sâm, Phó chủ tịch UBND xã Đông Xuân chia sẻ: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở xã ước đạt 6 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo là 33 hộ, chiếm 3,1%. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần. Hệ thống nước sạch Sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã. Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những đổi thay to lớn trong mỗi gia đình đến thôn Đồng Rằng thể hiện bước tiến mạnh mẽ ở vùng đồng bào DTTS, miền núi Thủ đô.
Hà Nội là địa phương có đông DTTS sinh sống (50/53 DTTS), với gần 108.000 người DTTS ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số. Đồng bào các DTTS sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Diện tích tự nhiên vùng đồng bào DTTS là 33.458ha, chiếm khoảng 10% diện tích Thủ đô, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chè, sắn, dong riềng, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bò sữa, trồng cây thuốc nam, cây ăn quả... Ngoài ra, các địa phương vùng DTTS còn có tiềm năng khai thác và phát triển du lịch sinh thái, tâm linh.
70 năm sau ngày giải phóng, vùng DTTS và miền núi Thủ đô đang tạo cho mình thế và lực mới để tự tin thực hiện các mục tiêu căn bản là đưa mức sống và thu nhập của nhân dân trong vùng ngang bằng với các xã ngoại thành; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những quyết sách cho kỷ nguyên mới
Những năm qua, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chính sách dân tộc của Nhà nước để chỉ đạo, triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp, nhằm phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách dân tộc, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Các xã vùng DTTS và miền núi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm gần 11%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2008 là 7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng DTTS giảm còn 0,72%/năm 2023 (năm 2008 trên 20%); 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Giai đoạn 2021-2030, Hà Nội tự đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết Quốc hội với những kết quả hết sức quan trọng. Nhiều chỉ tiêu đã cán mốc 100% như: Số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; số hộ dân dùng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; số hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; số xã có đài truyền thanh, phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình...
Thành phố cũng đã hoàn thành căn bản công tác định canh, định cư, sắp xếp, bố trí ổn định số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Hệ thống trường học, trạm y tế được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh và chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Đồng chí Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ: “Những kết quả trên đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng DTTS miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn thành phố, sẵn sàng cùng Thủ đô và cả nước sau năm 2030, bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Ý kiến ()