Thứ 7, 23/11/2024 01:08 [(GMT +7)]
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu năm 2018 đều tăng mạnh
Thứ 2, 24/12/2018 | 17:10:00 [(GMT +7)] A A
Xuất khẩu thuỷ sản tăng 8,4% trong năm 2018. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017. Tuy nhiên để sản phẩm thuỷ sản có thể phát triển đúng năng lực cần dồn sức cho việc gỡ “thẻ vàng” của EU trong năm tới.
Toàn cảnh hội nghị – Ảnh: VGP/ Đỗ Hương |
Ngày 24/12, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, nhiều ngành hàng xuất khẩu đạt giá trị cao năm qua như: Cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.
Đặc biệt, mặt hàng cá tra ghi nhận có sự tăng trưởng phát triển vượt bậc từ kim ngạch xuất khẩu, diện tích nuôi 5.400 ha (tăng 3,3% so với năm 2017), sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018 đã tổ chức thay thế 30.000 con cá bố mẹ, chọn lọc giống được tăng cường.
Do đó, chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tự phát từ năm 2017.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến – Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Lĩnh vực nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ…) tiếp tục phát triển với diện tích khoảng 6.000 ha nuôi cá biển, sản lượng 32.000 tấn; nhuyễn thể 45.000 ha, sản lượng 320.000 tấn; tôm hùm 1.600 tấn, cua ghẹ hơn 60.000 tấn… Ngoài ra còn có hoạt động nuôi trồng thủy sản các loài có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, cá rô phi, nhuyễn thể, tôm càng xanh, tôm hùm… tiếp tục phát triển ổn định, góp phần nâng cao chất lượng, gía trị của ngành.
Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung triển khai đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống, tiếp tục phát triển ngành thủy sản bám sát định hướng phát triển theo Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 và Định hướng đến năm 2030, tái cơ cấu ngành thủy sản nằm trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu toàn ngành thuỷ sản tập trung cho mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EU trong thời gian tới. Cùng với đó tập trung cho mục tiêu cụ thể năm 2019 của ngành thủy sản, tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn (khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD.
Theo Baochinhphu
Theo Baochinhphu
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()