Sản phẩm thương hiệu Việt: Vững chắc sân nhà, vươn ra thế giới
Làn sóng đầu tư trong những năm vừa qua đã giúp bức tranh kinh tế của đất nước diễn ra sôi động. Trong cuộc cạnh tranh để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường, đã có nhiều doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi nhưng cũng không ít doanh nghiệp lớn mạnh, khẳng định được thương hiệu của mình.
Lấy chất lượng làm ‘gốc’
Minh Hưng Group là một doanh nghiệp chuyên về sản xuất màn chống muỗi với thương hiệu Chamcham. Từ khi ra đời, sản phẩm của đơn vị này đã phải cạnh tranh với rất nhiều thương hiệu cùng loại trên thị trường, nhất là hàng nhập khẩu. Tuy vậy, với hướng đi đúng và chiến lược kinh doanh bài bản, các sản phẩm của Minh Hưng hiện đã giữ thị phần cao, thậm chí có thể ‘đánh bật’ được hàng ngoại.
Ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Minh Hưng Group chia sẻ, doanh nghiệp đã phải đầu tư, nâng cao giá trị của thương hiệu bằng rất nhiều cách như mời các chuyên gia trong và ngoài nước đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên các quy trình kiểm soát chất lượng; đưa ra chiến lược phù hợp với từng phân khúc thị trường để có thể cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Là doanh nghiệp hai lần liên tiếp đạt thương hiệu quốc gia, theo ông Hưng đây chính là những ghi nhận của khách hàng đối với các sản phẩm của doanh nghiệp. Chính sự đánh giá này đã giúp sản phẩm màn chống muỗi của Minh Hưng vượt qua được nhiều đối thủ lớn, vươn ra chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài.
Ông Thiện cho hay, hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại Lào, Thái Lan, Campuchia. Đáng chú ý, sản phẩm của Minh Hưng Group còn chiếm được ưu thế rất lớn tại thị trường Trung Quốc và người tiêu dùng tại thị trường này đang rất ưa chuộng các sản phẩm của công ty.
Một thành quả và cũng là điểm nhấn cho Minh Hưng Group năm vừa qua chính là tổ chức UNICEF đã đặt hàng các sản phẩm màn của công ty với số lượng lớn để xuất sang thị trường châu Phi.
“Việc thay đổi được cách mua sắm thực chất chính là yếu tố năng lực cạnh tranh. Cụ thể hơn đó chính là cùng một sản phẩm nhưng mẫu mã, chất lượng và giá cả sẽ là yếu tố tiên quyết để người tiêu dùng quyết định hành vi tiêu dùng của mình với sản phẩm nội hay ngoại,” ông Huỳnh Hữu Thiện nói.
Cũng chọn một hướng đi đó là tập trung tối đa vào việc nâng cao chất lượng, dịch vụ để phục vụ khách hàng, trong nhiều năm liền Công ty Saigontourist đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lữ hành.
Ghi nhận lớn nhất đối với Công ty chính là 6 lần liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Tổng Giám đốc SaigonTourist Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ, do đối tượng khách hàng không chỉ tại thị trường nội địa mà còn ở khắp nơi trên thế giới nên chất lượng lúc nào cũng phải đạt ở mức cao nhất.
Với yêu cầu này, Công ty đã xây dựng một quy trình kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ, thu hút ngày càng đông khách hàng.
“Thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia, SaigonTourist đã hoàn thiện hơn quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ từ đó có định hướng xây dựng được thương hiệu không chỉ tại thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới,” ông Nguyễn Hữu Y Yên cho hay.
Năm 2018 chứng kiến những dấu ấn nổi bật của ngành dệt may Việt Nam, khi xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Có được thành công này, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đã nỗ lực đầu tư nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm có chất lượng để chinh phục người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư vào khâu thiết kế qua đó tạo ra được sản phẩm có giá trị cao hơn.
“Hàng dệt may Việt Nam hiện nay không những tạo được thương hiệu riêng ở trong nước khi được người tiêu dùng ưa chuộng mà còn là thương hiệu uy tín khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới,” ông Giang chia sẻ.
Chia sẻ những kinh nghiệm về thị trường, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng Việt muốn giữ vững được thị trường cũng như có được niềm tin của người tiêu dùng là cả một sự cố gắng rất lớn.
Để làm được điều này, ông Quốc Anh cho rằng bản thân các doanh nghiệp không được lơ là và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản.
“Doanh nghiệp cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các dịch vụ giá trị gia tăng,” ông Mạc Quốc Anh nêu quan điểm.
Lãnh đạo Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho hay Hiệp hội cũng như doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, xây dựng chuỗi sản xuất để đưa các sản phẩm tiêu dùng nội địa Việt Nam với chất lượng tốt tới tay người dân.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ hàng Việt Nam tại nhiều siêu thị trong nước đang ngày một nâng cao, có nơi chiếm trên 90%. Nhìn vào con số này cho thấy đã có sự đóng góp không mệt mỏi của các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến việc đảm bảo nhiều hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Song để các thương hiệu “Made in Việt Nam” ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lưu ý, ngoài việc phục vụ bán hàng tốt, các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc đưa ra những sản phẩm hàng hóa với mẫu mã bắt mắt hơn, phong phú hơn, tiện lợi hơn.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải có chiến lược để hàng hóa và sản phẩm của mình có thể đáp ứng tốt đối với từng khu vực thị trường, từ nông thôn đến thành thị để người tiêu dùng lựa chọn và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Và từ sự vững chắc trên “sân nhà,” các doanh nghiệp sẽ vươn sang các thị trường trong khu vực và thế giới./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()