Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế trên thị trường
Phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lớn để phát triển đất nước. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, “hạt nhân” tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Gần 45 nghìn sản phẩm đạt từ ba sao
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau gần ba năm triển khai chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn một 2018-2020) đã có những kết quả tích cực, có 4.469 sản phẩm đạt từ ba sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra.
Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10 nghìn gian hàng; 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết. Trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market… và một số siêu thị địa phương.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của TP Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;… Từ đó, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, có 60,7% chủ thể OCOP đạt từ ba sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.
Đánh giá về hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn một, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã của sản phẩm vùng núi không kém gì các sản phẩm tinh xảo của miền xuôi, thậm chí là quốc tế. Số lượng các sản phẩm đạt ba sao trở lên đạt gần 4.500 cho thấy, sự thành công của chương trình giai đoạn một.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vì là chương trình mới, nên giai đoạn đầu triển khai OCOP, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Ngoài ra, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.
Phát huy vai trò đầu tàu của sản phẩm OCOP
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, chương trình OCOP vẫn bộc lộ hạn chế, trước hết sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm, một số địa phương có biểu hiện “chạy theo phong trào” thành tích. Đây là điều cần chấn chỉnh vì chưa đi vào thực chất, dựa vào lợi thế đặc trưng văn hoá, dân tộc. Chưa thực sự quan tâm đến giải pháp hỗ trợ cụ thể cho chương trình OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP quan tâm tới mẫu mã mà chưa chú trọng chất lượng, quy mô sản phẩm OCOP còn khiêm tốn. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa thu hút được người tiêu dùng. Nguồn vốn phát triển OCOP còn khó khăn… Vai trò động lực của doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Chương trình chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, chủ yếu là DN, HTX tâm huyết đứng ra làm.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lớn để phát triển đất nước. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, “hạt nhân” tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, người dân nông thôn được cải thiện đời sống, văn hóa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, muộn nhất vào tháng 6-2021.
Trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Ý kiến ()