Tết năm nay là Tết Giáp Thìn nên hầu hết sản phẩm trang trí đều có hình ảnh con rồng từ truyền thống tới cách điệu. So với năm ngoái, giá các sản phẩm không có nhiều thay đổi.
Sản phẩm gà đồi Phú Bình sẵn sàng cung ứng thị trường Tết
Mặc dù năm nay, nhiều hộ chăn nuôi đánh giá sức mua và giá dao động, song lợi ích của người tiêu dùng vẫn được các doanh nghiệp đặt lên trên với mục tiêu giữ vững thương hiệu “Gà đồi Phú Bình.”
Thời điểm này, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi gà đồi tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đang tấp nập chuẩn bị xuất bán những lứa gà ngon nhất để phục vụ thị trường Tết.
Mặc dù năm nay, nhiều hộ chăn nuôi đánh giá sức mua và giá của sản phẩm gà dao động, song lợi ích của người tiêu dùng vẫn được các doanh nghiệp đặt lên trên với mục tiêu quyết tâm giữ vững thương hiệu “Gà đồi Phú Bình.”
Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là “Khô gà lá chanh” và “Gà đồi Tân Phú.” Ngoài ra, hợp tác xã còn chế biến sâu nhiều sản phẩm từ thịt gà như: gà ủ muối, gà tươi đóng gói…
Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, doanh nghiệp bắt đầu nhập giống gà về nuôi từ giữa năm 2023, giống gà doanh nghiệp lựa chọn chủ yếu là gà ri, gà ta.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Gà đồi Hữu cơ Tân Phú, cho biết giống gà này tuy nhỏ nhưng thịt dai, ngọt và có độ thơm đặc trưng, không nơi nào có. Mỗi lứa gà phải nuôi từ 155-160 ngày mới xuất bán, khi đó con gà cho chất lượng tốt nhất.
Ông Tuyên so sánh tính cùng thời điểm này mọi năm thì sản lượng tiêu thụ và giá gà bị giảm, từ 90 nghìn đồng/kg cách đây 2 tuần xuống còn khoảng 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo tính toán thì người chăn nuôi vẫn có lãi, mặc dù giá không được cao nhưng để giữ vững thương hiệu “Gà đồi Phú Bình,” các hộ chăn nuôi vẫn đảm bảo sản phẩm gà đạt chất lượng cao.
Cùng quan điểm, ông Bùi Quang Hĩu, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho biết, doanh nghiệp của ông nuôi giống gà ri, ri lai, gà mía…, thời gian chăn nuôi kéo dài hơn so với các giống gà khác.
Trong quá trình chăn nuôi, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng vaccine và thuốc bổ hỗ trợ, hầu như không sử dụng kháng sinh, ngoài ra môi trường chăn nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ.
Ông Hĩu cho biết thêm: Giá gà năm nay có thấp hơn một chút so với dịp này năm trước, tuy nhiên không vì thế mà doanh nghiệp sao nhãng hay lơ là các khâu chăm sóc gà. Mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến là giữ vững thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” và mong muốn sản phẩm ngày càng mở rộng ra nhiều thị trường trong nước.
Từ năm 2010, huyện Phú Bình bắt đầu chăn nuôi gà thả đồi, năm 2014, sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Người chăn nuôi chuyển dần từ phân tán quy mô nhỏ, tự phát sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, có nhiều mô hình chuỗi liên kết được hình thành như: Mô hình liên kết thụ tinh nhân tạo cho gà đẻ tại Hợp tác xã chăn nuôi Điền Quy xã Tân Thành, Hợp tác xã chăn nuôi Lương Phú với quy mô 25 nghìn con gà đẻ; mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi “Gà đồi Phú Bình” theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú, Hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Tân Tiến xã Tân Khánh…
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 hợp tác xã và khoảng 13.000 cơ sở chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, tập trung nhiều ở các xã Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt… với tổng đàn gần 4,5 triệu con, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đem lại tổng doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình, cho biết mặc dù giá gà năm nay không ổn định như mọi năm, lúc tăng lúc giảm, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn có lãi do thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã khẳng định chỗ đứng trên nhiều thị trường trong các năm qua.
Để bảo đảm chất lượng gà đồi, phòng nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các hộ dân chú trọng thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và theo hướng VietGAP, cung cấp đủ thức ăn, vitamin để đàn gà phát triển khỏe mạnh, chủ động tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vaccine đầy đủ để đảm bảo an toàn dịch bệnh, từ đó cung cấp ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Trong những năm gần đây, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Bình thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, người chăn nuôi tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã và cơ sở chăn nuôi cũng đã chủ động quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” ngày càng được nhiều người biết đến, số doanh nghiệp, thương lái kết nối thu mua tăng đáng kể. Ngoài thị trường nội tỉnh, sản phẩm còn được xuất bán tại một số tỉnh, thành phố khác trong nước như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…
Tại thời điểm trước, trong và sau Tết, huyện Phú Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn những sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” cũng như lợi ích của người tiêu dùng và lợi nhuận của người chăn nuôi gà đồi trên địa bàn./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()