Sân khấu hóa tuyên truyền dân số: Cách làm hiệu quả, hấp dẫn
– Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp thì hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền dân số là một cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Các tiểu phẩm với nội dung về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trở nên hấp dẫn, dễ tiếp thu, dễ nhớ, tạo được hứng thú cho người xem, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về chính sách DS-KHHHGĐ.
Có dịp đến dự “Liên hoan tuyên truyền viên dân số” năm 2021 do Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức vào tháng 10 vừa qua, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi của liên hoan. Cả hội trường tràn ngập tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả trước những tiểu phẩm mà 8 đội thi đến từ các huyện, thành phố biểu diễn. Thực trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con thứ ba trở lên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tảo hôn… được các đội thi khéo léo lồng ghép qua 16 tiết mục thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm giúp mang lại tiếng cười cho khán giả và truyền tải những thông điệp ý nghĩa về chính sách DS-KHHHGĐ.
Tiểu phẩm “Có giá lắm đấy” của đội Yêu dân số (Hữu Lũng) tại Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2021
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường được nghe tuyên truyền về chính sách dân số tại các buổi sinh hoạt hội phụ nữ, họp khối hoặc vào những lần đưa con nhỏ đi khám, tiêm chủng… nhưng khi xem tiểu phẩm “Hối hận khi sinh con thứ ba” của đội thi huyện Bình Gia tại “Liên hoan tuyên truyền viên dân số” tôi thấy rất ấn tượng, dễ nhớ, dễ hiểu hơn về chính sách DS-KHHGĐ, đặc biệt là hậu quả của việc sinh con thứ ba.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đánh giá: Bằng hình thức sân khấu hóa, những nội dung về chính sách DS-KHHGĐ tuy khô khan nhưng khi được chuyển thể thành thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm… lại có sức lôi cuốn và đem lại hiệu quả cao về mặt tuyên truyền. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức các hoạt động sân khấu hóa hướng đến chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi, CSSK sinh sản vị thành niên…
Được biết, hình thức sân khấu hóa được ngành dân số triển khai thực hiện từ năm 1993 đến nay, tuy nhiên, hình thức này được các huyện, thành phố thực hiện sôi nổi nhất là từ năm 2016. Cụ thể, 5 năm qua, cơ quan dân số các huyện, thành phố đã chủ động tổ chức trên 20 chương trình tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các chủ đề về CSSK sinh sản vị thành niên với hình thức sân khấu hóa được trung bình trên 20 lượt/năm; phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ các cấp tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ vào các dịp tọa đàm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) bằng hình thức sân khấu hóa… Mặc dù không có số liệu cụ thể nhưng trong các hoạt động tuyên truyền nói chung của ngành dân số toàn tỉnh, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa chiếm gần 40%.
Đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh đã có 11 huyện, thành phố triển khai thực hiện tuyên truyền DS-KHHGĐ bằng hình thức sân khấu hóa. Trong đó, huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn là những đơn vị làm tốt công tác này. Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức được 6 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa với các chủ đề CSSK sinh sản vị thành niên; xây dựng tình bạn trong sáng, tình yêu lành mạnh… thu hút trên 2.100 học sinh tham gia.
Có thể khẳng định, hình thức sân khấu hóa mang lại hiệu quả lớn trong truyền thông dân số, góp phần giảm tỷ suất sinh từ 2,34% (năm 2016) xuống 2,13% (năm 2020); tỷ số giới tính khi sinh giảm trên 4 điểm phần trăm/năm; trên 60% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; trên 50% trẻ sinh ra được sàng lọc sau sinh…
Từ hiệu ứng tích cực từ hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền DS-KHHGĐ đã mang lại, thời gian tới, ngành dân số tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền bằng hình thức này nhằm góp phần thực hiện thành công hơn nữa các chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()