Sân chơi bổ ích của người cao tuổi
- Những năm qua, phong trào văn nghệ của người cao tuổi (NCT) trên địa bàn ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành sân chơi bổ ích, làm cho đời sống tinh thần của NCT thêm phong phú, giúp các cụ thêm sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
Tại huyện Lộc Bình, hiện nay trên địa bàn có 52 câu lạc bộ (CLB) của NCT thuộc nhiều loại hình, trong đó có 24 CLB văn nghệ ở các xã, thị trấn, mỗi CLB có từ 15 - 22 thành viên. Tùy từng địa bàn, các CLB thành lập với nội dung hoạt động cụ thể, chẳng hạn như CLB văn nghệ của NCT ở xã Minh Hiệp chủ yếu là về hát xắng cọ; CLB của NCT ở xã Khuất Xá, Xuân Dương chủ yếu là về hát then… Các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu ở trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NCT trên địa bàn.
Ông Nông Văn Huyên, gần 70 tuổi ở khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình chia sẻ: Tham gia sinh hoạt cùng các ông, bà trong CLB tôi cảm thấy rất vui vẻ; CLB còn là nơi để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm dạy bảo con cháu. Bên cạnh đó, hằng năm, CLB đều tổ chức giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện ở thị trấn, ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư. Mỗi người một sở trường, hoàn cảnh nhưng điểm chung là các thành viên CLB đến với nhau bằng niềm đam mê ca hát, giúp tinh thần thoải mái để sống vui, sống khỏe hơn, qua đây còn góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
Đối với Hữu Lũng, toàn huyện hiện có 54 CLB của NCT thuộc nhiều loại hình tại 24/24 xã, thị trấn, trong đó có văn nghệ, thu hút hơn 2.700 thành viên tham gia, tăng 900 người so với năm 2021. Ông Nguyễn Đức Văn, Chủ tịch Hội NCT huyện Hữu Lũng cho biết: Các CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên và tổ chức giao lưu, biểu diễn trong những dịp lễ, tết, sự kiện ở địa phương như: Ngày truyền thống NCT Việt Nam 6/6; Ngày Quốc tế NCT 1/10, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư... Nhằm thúc đẩy phong trào phát triển, định kỳ 2 năm một lần hội phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện tổ chức Liên hoan tiếng hát NCT huyện (đến nay đã tổ chức được 3 lần). Huyện cũng thành lập đoàn tham dự đầy đủ các đợt Liên hoan nghệ thuật quần chúng NCT tỉnh và đạt nhiều giải cao. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, ý nghĩa, giúp các cụ thêm sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc.
Tương tự, thời gian qua, phong trào văn nghệ của NCT đã lan tỏa sâu rộng tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Theo thống kê của Hội NCT tỉnh, hiện nay trên địa bàn có 522 CLB của NCT, với hơn 10.000 người tham gia sinh hoạt thường xuyên; trong đó có gần 200 CLB văn nghệ, tăng gần 20 CLB so với năm 2023. Trong đó, một số địa bàn có phong trào phát triển mạnh như Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn, Văn Quan, Chi Lăng...
Ông Nông Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: Hoạt động của các CLB chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp; bên cạnh đó còn nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp, ngành ở địa phương. Trong đó, cấp tỉnh và nhiều huyện, thành phố đã định kỳ tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng NCT; đối với cấp tỉnh, đến nay đã tổ chức được 11 đợt liên hoan. Mỗi đợt liên hoan đều thu hút đông đảo các đoàn tham dự, trở thành sân chơi bổ ích, là dịp gặp gỡ, giao lưu của NCT các huyện, thành phố, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ của NCT trên địa bàn. Văn nghệ đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, giúp NCT thêm sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, tiếp tục có những cống hiến cho xã hội…
Không chỉ giao lưu, biểu diễn, dự thi, nhiều thành viên các CLB văn nghệ NCT trên địa bàn còn tâm huyết truyền dạy các làn điệu như hát sli, then, xắng cọ, đàn tính, múa chầu cho thế hệ trẻ. Những NCT còn là hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng tại cơ sở; góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bà Triệu Thị Hiệu, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hoá cơ sở, Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Thời gian qua, phong trào văn nghệ của NCT trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng từ thành thị đến nông thôn, thu hút nhiều NCT tham gia. Qua đây không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NCT mà các cụ còn trở thành những người “giữ lửa” và “truyền lửa” cho cộng đồng, nhất là giúp thế hệ trẻ có thêm niềm đam mê trong việc chung sức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Qua đây thiết thực đẩy mạnh công tác chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT trên địa bàn.
Ý kiến ()