Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất ở Bác Ái
Đất công sau khi lấn chiếm được giới thiệu bán. Do buông lỏng quản lý, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trái pháp luật, ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, cho thuê, tranh chấp đất trong nhân dân, giữa người dân với các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, gây bức xúc kéo dài trong dư luận...Giao đất, cấp giấy CNQSDĐ trái luật Theo Điều 4, Quyết định số 74/1999 của UBND tỉnh Ninh Thuận về chính sách giao đất, cho thuê đất để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, thì "Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó, được chính quyền địa phương xác nhận sử dụng đất đúng mục đích...".Thế nhưng, tháng 1-2004, UBND huyện Bác Ái ra quyết định giao đất và cấp giấy CNQSDĐ có diện tích 1,6 ha tại thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (nguồn gốc hiện trạng là khu đất có mặt nước...
Đất công sau khi lấn chiếm được giới thiệu bán. |
Do buông lỏng quản lý, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trái pháp luật, ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, cho thuê, tranh chấp đất trong nhân dân, giữa người dân với các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, gây bức xúc kéo dài trong dư luận…
Giao đất, cấp giấy CNQSDĐ trái luật Theo Điều 4, Quyết định số 74/1999 của UBND tỉnh Ninh Thuận về chính sách giao đất, cho thuê đất để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, thì “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó, được chính quyền địa phương xác nhận sử dụng đất đúng mục đích…”.
Thế nhưng, tháng 1-2004, UBND huyện Bác Ái ra quyết định giao đất và cấp giấy CNQSDĐ có diện tích 1,6 ha tại thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (nguồn gốc hiện trạng là khu đất có mặt nước ao, hồ chưa sử dụng do xã Phước Đại quản lý) cho ông Nguyễn Đức Nghĩa sử dụng trong lúc gia đình ông Nghĩa không nằm trong diện được quy định tại Quyết định số 74. Qua kiểm tra, hồ sơ giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nghĩa không lưu giữ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) huyện. Một trường hợp khác là năm 2006, UBND huyện có quyết định giao đất, cấp giấy CNQSDĐ có diện tích hơn năm ha tại thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng cho hộ bà Nguyễn Thị Thủy, trong khi diện tích đất được cấp chồng lên phần đất hành lang an toàn đường bộ.
Tháng 3-2011, ông Nguyễn Anh Việt, công tác tại Sở TN và MT tỉnh Ninh Thuận gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bác Ái, đăng ký quyền sử dụng 20,5 ha do hộ ông Việt “khai hoang” năm 1993. Qua thẩm định, tháng 4-2011, dù Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện có Văn bản số 03, trả lời: “Hiện trạng thửa đất là đất khoanh nuôi phục hồi do xã Phước Chính quản lý, không có tác động sử dụng của hộ gia đình, cá nhân, cho nên không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất”, nhưng đến tháng 6-2011, thửa đất nêu trên vẫn được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Mai (lúc này là Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh) đứng tên. Sau đó, bà Mai chuyển nhượng cho ông Việt. Nghiêm trọng hơn khi UBND huyện Bác Ái giao 89,8 ha đất ở thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng và thôn Suối Đá, xã Phước Tiến cho nhiều cá nhân là chủ doanh nghiệp, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú ở các huyện Ninh Hải, Thuận Nam và TP Phan Rang – Tháp Chàm làm trang trại nuôi cá nước ngọt nhưng không thu tiền sử dụng đất; cấp giấy CNQSDĐ sai quy định để tiếp tay cho nhiều người bao chiếm, tích tụ đất đai. Cụ thể, như: Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc, Nguyễn Văn Thiên (44,6 ha); Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Đạt, Nguyễn Ngọc Hùng (8,1 ha); bà Nguyễn Thị Thân, kinh doanh phế liệu (8,1 ha). Qua thẩm tra, UBND xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải cho biết, ông Thiên là bố của ông Hùng, bà Thân là vợ của ông Hùng, tất cả đều làm doanh nghiệp, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Hay Giám đốc Công ty TNHH Thái Sơn Lê Văn Thái, kinh doanh sửa chữa, đóng tàu, thuyền ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (11 ha); Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tin học Thiện Tâm Phù Sanh Thiện Tâm, ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (4,6 ha)… Lấn chiếm đất công Do buông lỏng quản lý, nhiều người đã lấn chiếm đất công để trục lợi. Qua kiểm tra, phát hiện hộ ông Huỳnh Văn Lẫn ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến lấn chiếm trái phép 35 ha đất thuộc khu vực đất rừng được Nhà nước giao cho người khác quản lý và đất lâm nghiệp do xã Phước Thắng quản lý. Sau khi lấn chiếm, ông Lẫn sang nhượng trái phép cho ông Tô Văn Tuấn 15,6 ha, ông Tuấn rủ ông Tô Tuấn Hoàng lấn chiếm thêm đất của ông Lẫn bảy ha để trồng cao-su. Ông Đặng Hồng Vân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì có “chiêu” chiếm đất ngoạn mục hơn. Tháng 12-1998, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định thu hồi 50 ha đất lâm nghiệp ở khu vực Suối Le và Nông trường 21 tháng 8 giao cho huyện Ninh Sơn (lúc này huyện Ninh Sơn chưa chia tách thành hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái) tổ chức khai hoang phục hóa làm đất sản xuất nông nghiệp. Lúc này, ông Vân đang làm Chủ tịch UBND huyện, đã bỏ tiền cho hai ông Trần Khắc Tịnh và Katơ Xuân mua lại một số đất rẫy cũ của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Le (đất thuộc diện thu hồi theo quyết định của tỉnh). Sau đó, ông Tịnh, ông Khắc làm đơn xin nhận đất để sản xuất lâm nghiệp và xin khai hoang phục hóa để trồng mía, sản xuất nông nghiệp. Năm 1999, ông Tịnh được UBND huyện Ninh Sơn cấp quyền sử dụng 13 ha. Đến năm 2006, ông Tịnh chuyển nhượng phần diện tích 13 ha kèm theo nhiều giấy tờ sang nhượng viết tay của các hộ dân tộc thiểu số cho ông Vân. Năm 2010, ông Vân dùng các giấy tờ nêu trên xin chuyển tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất 13 ha từ ông Tịnh sang tên mình, đồng thời làm hồ sơ xin cấp mới quyền sử dụng phần đất mà ông đã lấn chiếm nằm ngoài diện tích 13 ha đã được cấp quyền sử dụng cho ông Tịnh trước đó. Cùng một lúc Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cấp mới ba giấy CNQSDĐ với tổng diện tích hơn 20 ha tại khu vực thôn Ha Lá Hạ cho ông Vân. Qua xác minh, Thanh tra tỉnh Ninh Thuận xác định toàn bộ giấy viết tay nhận chuyển nhượng đất của ông Vân không phù hợp với diện tích được cấp mới trong ba sổ đất của ông. Ngoài ra, còn phát hiện ông Vân lấn chiếm thêm 14 ha đất nông nghiệp do xã Phước Thắng và Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến quản lý. Trong số 47,11 ha đất ông Vân đang sử dụng, có 13 ha được cấp giấy CNQSDĐ đúng quy định. Số diện tích đất lấn chiếm còn lại là 34,11 ha đã có 20 ha được cấp giấy CNQSDĐ, 14,08 ha chưa cấp giấy CNQSDĐ… Xử lý nghiêm sai phạm Ngày 10-10-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh ký ban hành Kết luận Thanh tra số 4483/KL-UBND về việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Bác Ái. Trong tổng số 3.390 ha đất được thanh tra, có gần 600 ha đất có liên quan sai phạm, vi phạm các quy định của Luật Đất đai năm 2003. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bác Ái kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân và kiến nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm theo thẩm quyền. Chỉ đạo thu hồi quyết định giao đất và cấp giấy CNQSDĐ đã cấp cho ông Nguyễn Đức Nghĩa, giao lại cho UBND xã Phước Đại quản lý; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở TN và MT Ninh Thuận kiểm điểm trách nhiệm về công tác quản lý các đơn vị trực thuộc.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ, vụ việc tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật việc giao đất, cấp giấy CNQSDĐ cho hộ bà Nguyễn Thị Mai để chuyển nhượng cho ông Nguyễn Anh Việt; trách nhiệm giao đất không thu tiền sử dụng đất trái quy định cho sáu hộ làm kinh tế trang trại, nuôi cá nước ngọt và trồng cây lâu năm; việc lấn chiếm đất của các ông Huỳnh Văn Lẫn, Đặng Hồng Vân… Sau bảy tháng thanh tra vụ việc, Thanh tra tỉnh Ninh Thuận đã làm rõ nhiều sai phạm có liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện Bác Ái. Người dân tin rằng, những đối tượng sai phạm sẽ bị xử lý đúng theo pháp luật, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4.
Theo Nhandan
Ý kiến ()