Sai lầm khi quan niệm luyện thi học sinh giỏi là luyện "gà chọi"
Chọn người hiền tài cho đất nước luôn là vấn đề trăn trở của ngành giáo dục. Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS. Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán xung quanh vấn đề kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hiện nay.
PV: Ông đánh giá thế nào về phong trào thi học sinh giỏi quốc gia ở nước ta hiện nay, phải chăng nó không còn “sức hút” như trước đây?
GS. Lê Tuấn Hoa:Là một người trưởng thành nhờ thi học sinh giỏi, tôi luôn luôn đánh giá cao phong trào này. Nếu không có các kì thi học sinh giỏi, rất khó có thể tưởng tượng tôi có thể vượt xa lũy tre làng. Điều tôi nói không chỉ đúng với thời xa xưa của chúng tôi, mà chắc chắn vẫn đúng với ngày nay và cho cả mai sau. Đây là một sân chơi tự nguyện, có nhiều cấp độ, phù hợp với nhiều học sinh có năng lực khác nhau. Thường khi nói về thi học sinh giỏi, người ta hay nghĩ về mấy em ở cấp thi cao nhất. Trước khi có thi Toán quốc tế, người ta nói về giải quốc gia. Từ khi có toán quốc tế, người ta hay chú trọng về mấy giải Toán quốc tế. Và từ đó mới xuất hiện quan niệm cho rằng thi học sinh giỏi chỉ là luyện “gà chọi”. Có vẻ như cả nước đổ xô chỉ để có 6 em đi thi Toán quốc tế (!?)
Quan niệm như vậy thì thực sự sai lầm. Và nếu quả thực mục tiêu của tổ chức thi học sinh giỏi chỉ để chọn ra mấy em như vậy thì việc thi chẳng có mấy ý nghĩa. Rất may, chưa bao giờ người tổ chức thi học sinh giỏi nghĩ như vậy.
PV: Vậy chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất vấn đề này như thế nào, thưa ông?
GS Lê Tuấn Hoa:Tất nhiên, kì thi học sinh giỏi nào cũng có mục đích tìm ra một số em giỏi nhất. Song cái nó hướng tới chính là tạo ra một phong trào học tập sáng tạo. Tôi chỉ lấy ví dụ môn Toán. Để có được đội tuyển 6 em, nếu cứ tính mỗi huyện/quận có 4 trường THPT, và đội tuyển mỗi trường có 10 em thì với hơn 500 huyện/quận trên cả nước đã có ít nhất 2 vạn học sinh dự thi hai cấp học sinh giỏi (trường, huyện/quận). Dù hầu hết trong số 2 vạn em này không đoạt giải quốc gia, nhưng nhờ có thi học sinh giỏi mà năng lực của 2 vạn em này về Toán được nâng cao đáng kể. Từ đó các em có thể học tốt các môn khác, rèn luyện được khả năng tìm tòi sáng tạo và lòng ham muốn học tập. Đó mới là cái đáng giá nhất của thi học sinh giỏi. Như vậy, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, khi nói đến thi học sinh giỏi, phải nói đến học sinh giỏi ở mọi cấp, chứ không nên chỉ bàn đến cấp cao nhất. Đoạt được giải ở cấp nào cũng đáng trân trọng. Như thế mới đầy đủ, và mới thấy hết cái ý nghĩa của phong trào này.
PV: Dư luận cho rằng không nên có quá nhiều giải ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia như hiện nay, ông nghĩ sao về vấn đề này?
GS. Lê Tuấn Hoa:Tôi chỉ lấy môn Toán làm ví dụ thôi. Nếu cả nước có 60 tỉnh/thành tham dự, và mỗi đội có 10 em thì tất cả có 600 em dự thi. Với nguyên tắc 50% số em được giải (như thi quốc tế), thì sẽ có 300 em đoạt giải. Tính như vậy theo tôi là nhiều, vì theo xác suất, mỗi em dự thi có 50% khả năng đoạt giải. Đối với đội mạnh thì khả năng đoạt giải thậm chí lên tới gần 100%. Từ đó có thể tạo tâm lí thi không đoạt giải là xấu hổ, và do vậy có thể tạo áp lực cho học sinh, cho đơn vị cử đi thi. Mà nếu đoạt giải thì cũng ít được người ta nhớ tới tên như cái thời chỉ có khoảng 10 giải. Phải chăng chỉ nên trao độ 50-100 giải thôi. Nhưng tôi nhấn mạnh, đó là ý kiến riêng của cá nhân tôi. Có thể là rất cực đoan, chẳng mấy ai đồng tình. Mà dù có được số đông đồng tình thì không có nghĩa là trao ít giải sẽ không có điểm yếu. Như vậy, vấn đề đặt ra là hãy xem xét đầy đủ các khía cạnh của thi học sinh giỏi, để rồi định ra một cơ cấu giải hợp lí, được sự đồng thuận của nhiều người. Chứ đừng hy vọng có phương án tuyệt đối đúng.
PV: Có ý kiến cho rằng một số đơn vị địa phương chi khá nhiều tiền để mời thầy giỏi về luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi, tạo cảm giác chuyện thi học sinh giỏi là một cuộc đua không công bằng. Ý kiến ông về vấn đề này?
GS. Lê Tuấn Hoa:Trước hết tôi phải nói rằng tuyệt đại đa số thầy, cô luyện thi học sinh giỏi xuất phát từ sự yêu nghề nghiệp, yêu trò. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận chuyện có một số thầy, cô dạy lấy công khá cao, thậm chí là rất cao. Về chuyện này cũng nên nghĩ nhiều bề. Đi học ai mà chẳng thích được học thầy cô giáo giỏi. Thời bọn tôi, nghe đến thầy Tôn Thân “khét tiếng” ở Hà Nội, ai chả ao ước được học thầy. Tất nhiên khi đó những người tỉnh lẻ như tôi làm sao mà hy vọng biến cái ao ước đó thành sự thật. Cho nên, dù ở thời nào thì cũng không thể đòi hỏi có được công bằng theo nghĩa cùng điều kiện như nhau.
Việc trả cho người dạy bao nhiêu là hợp lí cũng khó mà bàn tới được. Trong thời buổi cơ chế thị trường, hãy để cho người dạy và phụ huynh tự xác định với nhau. Chỉ có điều phải hiểu rằng: tiền nhiều (để thuê người giỏi dạy) không thể đem lại giải cho học sinh, nếu người học sinh đó kém năng lực.
Cái mà tôi cho không hay trong việc học thêm hiện nay, không chỉ trong luyện thi đại học, mà cả trong luyện thi học sinh giỏi, là luyện quá nhiều bài tập. Đến mức rất nhiều học sinh nghĩ chỉ cần học thuộc dạng Toán. Cách học này chẳng đem lại sự sáng tạo nào, mà làm cho bộ óc mệt mỏi và lười đi: khi đọc đề toán, trước hết óc phải làm nhiệm vụ của máy tính là tìm xem bài toán thuộc dạng nào… Tất nhiên luyện kiểu đó khả năng trúng vào con số 3% nói trên có thể cao hơn, nhưng dù đoạt giải vẫn có khi “lợi bất cập hại”.
PV: Xin cám ơn ông! Chúc ông và gia đình năm mới sức khỏe, thành công!
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()